Thuận Bắc nỗ lực trong công tác giảm nghèo

(NTO) Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, huyện Thuận Bắc đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp để giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Để cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, Thuận Bắc tập trung vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó chú trọng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả. Đến nay tổng diện tích chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa được 90,65 ha, đạt 60,2% kế hoạch; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp như: Mô hình trồng bưởi da xanh ruột hồng, trồng măng tây xanh, trồng cây mãng cầu dai, nuôi gà thả vườn và mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa… mang lại hiệu quả kinh tế khá. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung vào công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Từ đầu năm đến nay, huyện đã giải quyết việc làm cho 608 lao động, đạt gần 90% so với kế hoạch; đưa 12 lao động tham gia xuất khẩu lao động; tổ chức 8 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 235 học viên tham gia; phân bổ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho 4 xã (Lợi Hải, Bắc Sơn, Phước Chiến, Phước Kháng) phát triển sản xuất. Các Chương trình, chính sách của Trung ương và của tỉnh cũng được huyện triển khai kịp thời, đầy đủ như: Chính sách tín dụng ưu đãi; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; chăm sóc sức khỏe và chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo…

Nông dân xã Phước Kháng (Thuận Bắc) chủ động đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất,
vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, qua nhìn nhận thực tế, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Thuận Bắc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo mục tiêu, kế hoạch giảm nghèo năm 2017 của huyện phấn đấu giảm hộ nghèo đạt từ 4-5% trở lên; ngay từ đầu năm huyện cũng đã giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho các xã, nhưng đến thời điểm hiện nay, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện chưa đạt so với yêu cầu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 36,27%; hộ cận nghèo chiếm 13,74%. Đối với các xã miền núi vùng đặc biệt khó khăn hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao, như tại Phước Chiến chiếm 66,4%, Phước Kháng chiếm 74%. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện địa hình tự nhiên không thuận lợi, diện tích đồi núi rộng chiếm hơn 2/3 diện tích tự nhiên, giao thông đi lại còn khó khăn, đất đai canh tác ít; đời sống của nhân dân miền núi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính nhưng tình hình nắng hạn và ngập lụt diễn ra trong năm 2016 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, tình trạng gia súc bị chết và giá cả xuống thấp làm cho đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Sự tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu tại địa bàn xã có đồng bào dân tộc thiểu số là những rào cản đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, hiệu quả và năng suất lao động chưa cao, tỷ trọng ngành trồng trọt và chăn nuôi không tương xứng với điều kiện và lợi thế đất đai của địa phương, sản phẩm sản xuất ra tự tiêu thụ, chưa có liên kết "4 nhà", tình hình giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn cũng ảnh hưởng đến kết quả giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90% so với tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện là khó khăn, thách thức trong mục tiêu giảm nghèo.

Giai đoạn 2016-2020, huyện Thuận Bắc phấn đấu bình quân mỗi năm giảm từ 4-5%, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 20%. Trong đó, tập trung nguồn lực giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; phấn đấu 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo tiêu chí. Bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng chí Đặng Ngọc Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, huyện phấn đấu thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua việc đẩy mạnh các chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các chương trình hỗ trợ về sản xuất và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn kết hợp và lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên từng địa bàn và dựa trên cơ sở đề xuất của nhân dân cho phù hợp. Song song với việc hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người nghèo ý thức tự vươn lên, mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm. Điều cần nhất, hơn ai hết, chính người nghèo phải nỗ lực vươn lên để thoát nghèo.