NHÂN 100 NĂM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (1911-2011)

Chuyến ra đi thế kỷ

Chuyến đi lịch sử của Hồ Chí Minh đã trở nên quen thuộc trong tâm thức của mọi người Việt Nam và không ít bạn bè nước ngoài, trong một chừng mực nào đó, nó cũng được coi như một biểu trưng của thế kỷ XX, ít nhất thì cũng từ phía các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc – sản phẩm của sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, một đặc trưng nữa của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

1. Thế kỷ XX: thế kỷ của những thái cực

Tôi muốn mượn ý của nhà sử học người Anh E.J. Hobsbawm, tác giả của một trong những cuốn sách tổng kết hay nhất về thế kỷ XX, ông gọi thế kỷ này là thế kỷ của những thái cực (L’Age des extrêmes, bản dịch tiếng Pháp, 1999). Trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, ông mô tả là những “thái cực của những sáng tạo và tàn phá, trong sự hưng thịnh và suy đồi đạo lý”. Cụ thể hơn, tác giả nhận xét: “Thế kỷ XX được khai sinh và luyện thép trong lò lửa của Thế chiến thứ nhất”. Đồng thời, “hai cuộc đại chiến thế giới là “tử cung” và là “cái lò bát quái” đẻ ra cái thế kỷ đẫm máu nhất của lịch sử nhân loại”.

 
Đường Nguyễn Tất Thành và bến cảng Nhà Rồng (TPHCM) - nơi anh Ba xuống tàu sang Pháp.

E.J.Hobsbawm có thiện cảm với một “thái cực” khác, đó là cuộc cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (1917). Những sự kiện “rung chuyển thế giới” như thế đã mở ra một thế kỷ đầy bi tráng, hào hùng, một khúc ngoặt của thế giới văn minh khi nó bước vào cuộc cách mạng kĩ thuật lần thứ hai, giải thể chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, cục diện chiến tranh lạnh và cuối cùng là “cơn động chấn” của sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô...

Ngày nay, đã không ít thế hệ đã bước vào tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đọc cuốn sách trên của E.J.Hobsbawm, người ta càng cảm nhận được cái lý của gian trưng bày đầu tiên, “cảm hứng chủ đạo của thế kỷ XX” được trình bày bằng ngôn ngữ bảo tàng, có như thế mới thấy rõ sự xuất hiện nhân vật lịch sử Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên cái nền rộng lớn tầm nhân loại...

2. Sài Gòn năm 1911

Chuyến đi này gắn liền với cái tên người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, dưới bí danh trong hàng chục bí danh của nhân vật này, Văn Ba, học viên trường thợ máy Ecole des Mecaniciens ở bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn. Câu chuyện thế kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự cũng bắt đầu từ đấy.

Nhưng tại sao lại là Sài Gòn? Ngày nay, chúng ta có không ít những bộ sử, hàng chục cuốn sách chuyên khảo, hàng nghìn bài viết với rất nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau về Hồ Chí Minh. Điều dễ nhận thấy, trong bối cảnh cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1913), đô thị, nhà máy, hầm mỏ, bến cảng... đã mọc lên không ít ở nước ta. Nhưng duy nhất chỉ có cảng Sài Gòn là nơi mà người bản xứ có thể xuất dương, nơi “gần phương Tây” hơn cả.

Nếu như ở Trung Quốc cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) đã đẻ ra nước Trung Hoa mới, dù chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Dật Tiên mới chỉ làm chủ ở phía Nam, thủ đô cách mạng Trung Hoa là Quảng Châu sôi sục, thì ở nước ta không khí cách mạng có phần tạm lắng. Tiếng súng Cần Vương đã tắt từ lâu. Ổ đề kháng của “con hùm Yên Thế” Đề Thám cũng đã im tiếng. Ngọn gió Duy Tân của Đông Kinh Nghĩa Thục, của xu trào “cắt tóc xin sâu” chịu ảnh hưởng của Phan Chu Trinh cũng chỉ còn là hoài niệm...

Bản thân gia đình người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lúc đó cũng ở thời điểm đặc biệt, đúng nghĩa “nước mất nhà tan”. Ông cụ thân sinh đỗ đại khoa nhưng quan lộ ngắn ngủi, gia đình ly tán, bị khủng bố, bản thân ông cũng trôi dạt vào Nam Kỳ.

Mười tám tuổi, Nguyễn Tất Thành đã tham gia phong trào chống thuế khi đang học trường Quốc học Huế, cạo trọc đầu, tham gia biểu tình và bị đuổi học. Dù sao, mái trường Quốc học Huế tuy chỉ có thể trang bị cho anh tấm bằng cao đẳng tiểu học, nhưng lại là nơi qua những người thầy chân chính, Pháp có Việt có, giúp anh hiểu được văn minh phương Tây, văn hóa Pháp và quan trọng hơn là khao khát “muốn tìm hiểu đằng sau những từ Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, phải đi về phương Tây tới chính “hang ổ của kẻ thù” nói như tờ báo tiếng Pháp đương thời ở Sài Gòn lúc đó: “Con đường đến nước Pháp cũng chính là con đường chống Pháp” (La Courrier de Sai Gon).

Một thời gian ngắn, anh Thành làm việc, dạy học ở trường Dục Thanh, thuộc Công ty nước mắm Liên Thành, cơ sở kinh tế và hoạt động yêu nước còn sót lại của phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ. Nhưng hướng đến của anh tất nhiên là Sài Gòn.

3. Xuất dương

Khái niệm “xuất dương” ở nước ta đã trở nên quen thuộc từ đầu thế kỷ XX khi Phan Bội Châu thành lập Duy Tân hội (1904) ở Quảng Nam. Khoảng trên hai trăm thanh niên yêu nước, chủ yếu ở tầng lớp trung lưu đã xuất dương sang Nhật Bản (Đông Du) và cũng đã tạo nên một không khí chính trị yêu nước mới của phong trào dân tộc, nhất là khi ra đời Việt Nam Quang Phục hội (1912).

Rõ ràng con đường đi sang phương Tây rộng mở hơn, vì đó là phương cách “xuất dương” của tầng lớp lao động, vô sản bản xứ, nếu họ có quan hệ với ngành hàng hải, thương mại. Nguyễn Tất Thành đã chọn dòng “xuất dương” này, như kinh nghiệm của 1200 “sinh viên – công nhân” của Trung Quốc đã tìm đến nước Pháp những năm ấy.

Câu chuyện vào Sài Gòn để chuẩn bị cho chuyến đi lịch sử ấy của Nguyễn Tất Thành ngày nay cũng thêm nhiều chi tiết sinh động, giàu tính biểu tượng. Ban đầu là sự nối kết từ đầu năm 1910 với những nhân vật của Hội Minh Tân ở Sài Gòn như với ông nghè Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Trần Lê Chất... chính họ đã tạo điều kiện để anh Thành có mặt ở Sài Gòn lần đầu tiên ngày 19/9/1910.

Họ cũng bố trí để anh ăn ở tại nhà ông Lê Văn Đạt, người bà con bên mẹ của ông Trương Gia Mô ở xóm Cầu Rạch Bần, nay là nhà số 185/1 đường Cô Bắc, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, anh Thành đã liên hệ được với Liên Thành thương quán, một cơ sở của công ty Liên Thành ở Sài Gòn, Quai Testard, nay là đường Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5. Đó cũng là cơ hội để Văn Ba vào trường Thợ máy học nghề, chuẩn bị điều kiện xuất dương. Anh cũng đã làm quen với một số người Việt nhân viên của hãng Năm Sao như Nguyễn Văn Hùm, Bùi Văn Viên... Hãng Năm Sao, một hãng lớn, thường chạy tuyến hàng hải Sài Gòn – Đà Nẵng, Colombo và một số cảng của nước Pháp.

Thời điểm của chuyến đi lịch sử đã đến gần. Đầu tháng 6/1911, Văn Ba được tin hãng đang tuyển “bồi” tàu, cùng với một số người Việt, anh đã dễ dàng được thu nhận. Ngày 4/6/1911, Văn Ba đã tạm biệt Liên Thành thương quán, xuống tàu Pháp mang tên Đô đốc Latouche Tréville, với mức lương 30 quan một tháng. Những chi tiết này rất phù hợp với câu chuyện đã quen thuộc về ý chí của người thanh niên Văn Ba. Khi một người bạn ở Sài Gòn hỏi anh, đi xuất dương nhưng làm gì để sống? Anh giơ đôi tay và trả lời: Bằng đôi tay này; như được ghi lại trong thiên truyện nổi tiếng “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Sự thật là sau 7 năm đi làm thuê bằng nhiều nghề để tìm cơ hội học tập, tìm hiểu nền chính trị xã hội và thực sự bắt đầu cuộc đời của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, Hồ Chí Minh đã trải qua hàng loạt nghề để kiếm sống: bồi tàu, quét tuyết, đầu bếp khách sạn, sửa ảnh, chụp ảnh, viết báo...

Một chi tiết cảm động giàu tính biểu tượng khác là, thời gian gần một năm sống ở Sài Gòn và học nghề ở trường Thợ máy, lại là cơ hội cuối cùng để Hồ Chí Minh được gần gũi người cha của mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, lúc đó cũng còn đang trú ngụ ở Sài Gòn...

Nhưng chúng ta phải quay trở lại với điểm mấu chốt của sự kiện: ngày 5/6/1911, con tàu Amiral Latouche Tréville, đã nhổ neo rời cảng Sài Gòn, cũng là bắt đầu thời điểm của chuyến đi thế kỷ, chuyến đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhiều cuốn tiểu sử về Hồ Chí Minh của các tác giả nước ngoài cho chúng ta thêm những hiểu biết về chuyến đi ấy. Hồ sơ kĩ thuật, kinh doanh của hãng Vận tải Hợp nhất (Chargeurs Reunis) cho biết rằng, tàu Amiral Latouche Tréville có trọng tải 6000 tấn, chuyến đi 5/6/1911 từ Sài Gòn sẽ tới điểm đầu tiên là cảng Dunkerque, nước Pháp. Những gì xảy ra sau đó với Văn Ba khi lần đầu tiên anh đến cảng Marseille nổi tiếng, cùng với những cảm nhận ngỡ ngàng, vừa choáng lộn vừa lạ lùng của nền “văn minh Pháp” đã được lưu đọng trong trí nhớ của nhiều thế hệ bạn đọc cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” nói trên.

Nói thêm rằng, cuối năm 1911, con tàu này đã quay lại Sài Gòn và một chi tiết thú vị khác là, dù không thể gặp lại cha mình, “anh Thành vẫn giữ trọn đạo hiếu, đã cố gửi một ít tiền cho bố như anh đã gửi được mấy lần trước”. Cũng vậy, con tàu lịch sử nói trên còn đưa anh Thành tới New York (Mỹ), và trong sổ tàu 5/12/1912, dưới chữ ký “Paul Nguyễn Tất Thành”... đã góp thêm những chi tiết giàu chất biểu tượng của chuyến đi lịch sử. Trong những ngày tháng ấy, cũng trên con tàu này, anh Thành còn để lại những dòng thư gửi bà chị Cả Thanh: “Em đã rời Sài Gòn cùng với một người Châu Âu để tiếp tục học và trong 5 hay 6 năm nữa em sẽ về...”.

“Người Châu Âu” mà Nguyễn Tất Thành đi cùng không hề được nhà sử học nước ngoài nổi tiếng ấy giải thích. Nhưng tôi có thể đưa ra một cách cắt nghĩa tạm thời với bạn đọc. Số là, trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên, cuốn sử đến nay vẫn được coi là giá trị nhất về Hồ Chí Minh, có cho biết, khi lên tàu Admiral Latouche Tréville nhận việc, Văn Ba được kĩ sư canh nông, tốt nghiệp ở Pháp, có quốc tịch Pháp là Bùi Quang Chiêu, người sau này thành thủ lĩnh Đảng Lập hiến nổi tiếng một thời ở Sài Gòn, cảm mến và nhận “đỡ đầu” cho anh trong chuyến đi Pháp. Nhưng anh Thành đã cảm ơn và từ chối. Có lẽ “người Châu Âu” mà anh Thành nói trong thư chính là Bùi Quang Chiêu.

4. Vĩ thanh

Cũng theo các nhà sử học nước ngoài chép chuyện Hồ Chí Minh, chuyến đi lịch sử ấy của Nguyễn Tất Thành kéo dài đúng 40 ngày trên biển (từ Sài Gòn đến Marseille) và lần đầu tiên anh đặt chân đến nước Pháp. Vào năm 1911, theo sổ sách cũng chỉ có vài trăm người bản xứ ở Đông Dương thực hiện những chuyến đi như vậy, đa số họ là những người lao động kiếm sống thuần túy trong cái nghề “đi biển”, vượt đại dương xa lạ. Người Việt từ nhiều đời nay vẫn chưa quen với “đánh bắt xa bờ”, thậm chí có thói quen “quay lưng lại với biển cả” như có người phương Tây đã nhận xét. Một số rất ít trong họ là những sinh viên du học như trường hợp Bùi Quang Chiêu (số đông trong họ đã nhập quốc tịch Pháp ở Nam Kỳ, một số là người Công giáo).

Chỉ có một con người duy nhất lúc đó là Nguyễn Tất Thành có được một chuyến đi lịch sử. 40 ngày trên biển với anh, là một bước nhảy táo bạo vào một thế giới chưa hề quen biết, cũng là sự bắt đầu một chặng đường kéo dài 30 năm của một người dân mất nước sống lưu vong...

Nhưng đó cũng lại chỉ là một phần của sự thật. Phần lớn hơn của câu chuyện thì ngày nay ai cũng rõ, chuyến đi 40 ngày trên biển ấy, đã mở ra một chương lịch sử hào hùng cho dân tộc ta, cho thế giới thuộc địa và nói chung cho tất cả những người bị áp bức trong cái thế kỷ đầy nghịch lý, đầy những thái cực như Hosback đã nói. Dù rằng, cũng phải sau 7-8 năm của chuyến đi ấy mới có sự kiện, Nguyễn Ái Quốc đã “gặp” Lênin ở Paris qua “Luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa” và đã trở thành một trong người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp (12/1920)...

(Theo Lao Động điện tử)