Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo

(NTO) Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân, thời gian qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo chuyển biến tích cực trong công tác XKLĐ.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 41 đợt tư vấn về XKLĐ cho hơn 2.000 lao động. Đến thời điểm này, đã có 105 người đi XKLĐ, so với chỉ tiêu 120 lao động xuất khẩu của năm, đạt 87,5%. Cùng với số lao động chuẩn bị xuất cảnh đi làm việc, đến thời điểm này có thể khẳng định năm nay, tỉnh ta lần đầu tiên đạt chỉ tiêu kế hoạch đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đáng chú ý, năm nay, thị trường XKLĐ của tỉnh chủ yếu là những nước có thu nhập cao, điều kiện ưu đãi tốt như: Nhật Bản, Ả-rập Xê-út, Đài Loan, Na Uy, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hàn Quốc... Đây là những môi trường làm việc phù hợp, vừa tạo thu nhập tương đối cao nên có sức hấp dẫn đối với NLĐ tại địa phương.

Trường hợp anh Lê Xuân Phi, ở thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh (Thuận Nam) đi XKLĐ tại Nhật Bản là một ví dụ. Mặc dù, mới sang làm làm việc tại Nhật Bản được 7 tháng, nhưng nhờ chăm chỉ, chịu khó và chi tiêu hợp lý, nên anh Phi đã gửi tiền về nhà 4 lần, tổng cộng 130 triệu đồng. Bà Trần Thị Bạch Mai, mẹ của anh Phi cho biết: Con điện về báo, môi trường làm việc, ăn ở tại nước sở tại rất tốt. Mỗi tháng cho thu nhập từ 13-15 triệu đồng, chưa kể làm thêm giờ. Tính ra, nếu con biết tranh thủ cơ hội, làm việc siêng năng thì sau khoảng 4 năm có thể tích lũy được số tiền khá lớn. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà XKLĐ còn rèn tính kỷ luật, tác phong làm việc, nâng cao tay nghề, để sau khi về nước Phi có thể tìm được việc làm trong môi trường công nghiệp hiện đại.

Mặc dù công tác XKLĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, tình hình có khả quan, nhưng liên tiếp những năm trước đây, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khó đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao, chưa đáp ứng được nhu cầu giải quyết việc làm, khả năng của lực lượng lao động và tiềm năng của địa phương. Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền tuy đã được tăng cường phổ biến nhưng vẫn chưa đến được với mọi người dân. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận cán bộ cơ sở chưa đầy đủ nên hạn chế trong việc phối kết hợp tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp đến là chính sách hỗ trợ cho NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn hạn chế. Về phía NLĐ, phần lớn có nhu cầu XKLĐ nhưng không có tay nghề, sức khỏe không đảm bảo hoặc khó khăn về kinh tế, không có đủ điều kiện để làm thủ tục. Bên cạnh đó, NLĐ còn mang nặng tập quán địa phương và có tâm lý ngại đi làm ăn xa.

Một trong những khó khăn mà NLĐ lo lắng nhất đó là, theo chính sách hỗ trợ XKLĐ, đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng. Trong khi đó, để được đi XKLĐ tại các thị trường có thu nhập cao, NLĐ phải đóng khoảng 100-120 triệu đồng tiền phí. Trường hợp vay vốn 100% chi phí, NLĐ phải có tài sản thế chấp, đó là vấn đề nan giải đối với hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Về vấn đề này, ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Nhằm hỗ trợ NLĐ giảm khó khăn về chi phí ban đầu, Sở đã tham mưu UBND tỉnh, hàng năm trích nguồn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đảm bảo đủ 100% chi phí để đi XKLĐ và đã được UBND tỉnh đồng ý. Hiện nay, các địa phương và đơn vị chức năng đang hướng dẫn để NLĐ dần tiếp cận được với nguồn vốn này. Song song với đó, trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động triển khai sớm kế hoạch XKLĐ ngay từ đầu năm để NLĐ lựa chọn các nước tham gia, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao.

XKLĐ là kênh giải quyết việc làm hữu hiệu nhằm xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho NLĐ. Chính vì vậy, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có kế hoạch chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để NLĐ thuận lợi tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức cho NLĐ.