Tăng đối thoại, giảm bức xúc

Hiệu quả từ đối thoại trong giải quyết khiếu kiện

(NTO) Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quyết định 217-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội..., tỉnh ta đã ban hành Quy chế đối thoại trực tiếp với công dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các chủ trương trên, nhiều vấn đề nóng của người dân đã được lắng nghe và giải quyết có hiệu quả.

Từ chợ Nông sản Phan Rang

Từ cuối năm 2016, chợ Nông sản Phan Rang đã chính thức đi vào hoạt động, chấm dứt tình trạng khiếu kiện, tụ tập đông người của tiểu thương chợ Tấn Tài. Trở lại vụ việc, cách đây 2 năm, UBND tỉnh và UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm thực hiện di dời hoạt động chợ Tấn Tài cũ (tại ngã Năm Tấn Tài) để chuyển sang chợ Nông sản Phan Rang mới được đầu tư xã hội hóa theo hướng hiện đại, văn minh. Điều này khiến một số hộ kinh doanh tại chợ Tấn Tài lo lắng vì cho rằng thay đổi môi trường kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế, địa điểm kinh doanh không thuận lợi... Lợi dụng tình hình đó, một số đối tượng đã kích động, lôi kéo tụ tập đông người, khiếu kiện tập thể, gây áp lực lên chính quyền địa phương.

 
Người dân mua bán tại chợ Nông sản Phan Rang.

Qua trực tiếp đối thoại, tiếp dân lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, khó khăn đã từng bước được tháo gỡ. Qua đối thoại, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ, thống nhất của các cơ quan đơn vị liên quan, những bức xúc, lo lắng của các hộ kinh doanh đã được giải thích, chia sẻ và giải quyết thấu tình, đạt lý. Bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty Lân Hà bày tỏ: Dự án đầu tư với kinh phí lớn, nhưng bị kéo dài, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Có thời điểm tưởng chừng như dự án đầu tư chợ bị đổ bể… Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, các hộ kinh doanh và người dân đều rất phấn khởi bởi việc kinh doanh thuận lợi, ổn định và phát triển hơn trước. Sau vụ việc xảy ra ở chợ Tấn Tài cũ, tôi cho rằng bất kỳ khó khăn nào cũng có thể giải quyết được nếu có sự vào cuộc tích cực, thiện chí của các bên.

Đến các dự án ở huyện Thuận Nam

Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư, trên địa bàn tỉnh ta ngày càng có nhiều dự án được triển khai. Trong đó, huyện Thuận Nam là một trong những địa phương có nhiều dự án đầu tư lớn. Tuy nhiên, điều các chủ đầu tư và chính quyền địa phương lo lắng nhất khi thực hiện dự án trên địa bàn, đó là việc đền bù giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đứng trước nguy cơ thiếu khả thi hoặc kéo dài thời gian thi công bởi còn nhiều người dân chưa đồng thuận.

Phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu và quyết tâm chính trị của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, huyện Thuận Nam đã đẩy mạnh việc trực tiếp đối thoại với người dân để giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện; tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai và kiến nghị của người dân. Nhiều cuộc đối thoại thẳng thắn đã diễn ra tại cơ sở như Dự án Trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1A, việc đền bù nhiễm mặn Dự án Muối Quán Thẻ, Dự án đầu tư xây dựng chợ nông thôn mới Cà Ná... Qua đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của người dân, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân nắm rõ chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật đối với các vấn đề liên quan trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Chính vì vậy, các vướng mắc, bức xúc của người dân được kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi cho các dự án này được triển khai, sớm đi vào hoạt động.

Ông Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Qua đối thoại, các vấn đề được các bên trao đổi, nắm bắt rõ ràng tình hình, mức độ sự việc mà không phải qua khâu trung gian, phản ánh từ người nọ sang người kia, làm sự việc bị “tam sao thất bản”. Những vướng mắc được các cấp trả lời, phân tích “ba mặt một lời” nên người dân rất tin tưởng, đồng thuận cao.

Theo đánh giá của Thanh tra tỉnh, qua thực hiện đối thoại, tiếp dân, tình hình đơn thư khiếu nại trên địa bàn đã từng bước giảm, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh tiếp 1.880 lượt, với 2.387 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, phản ảnh, kiến nghị. So với cùng kỳ giảm 149 lượt tiếp và giảm 923 lượt người; giảm 2 đoàn đông người và 1.033 lượt người tham gia. Qua công tác tiếp dân, đối thoại, các cấp, các ngành đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải thích, tuyên truyền, vận động, giải quyết các vụ việc theo đúng quy trình thủ tục quy định. Năm 2017, cơ quan thẩm quyền các cấp đã giải quyết 1.384 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong tổng số 1.427 đơn thuộc thẩm quyền, đạt 97%. Qua kiểm tra, rà soát, đến nay, các cấp, các ngành đã giải quyết xong, không để tồn đọng các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, cơ bản ổn định tình hình, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.