Chung tay tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho giáo dục và đào tạo phát triển

(NTO) Năm học 2017-2018 đã đi qua gần nửa chặng đường, cùng với những thuận lợi thì ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh ta đã và đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Những khó khăn, vướng mắc

Ngày 19-12-2017, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với ngành GD&ĐT về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD&ĐT báo cáo tóm tắt tình hình đầu năm học 2017-2018; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Theo đó, trong năm học này, ngành GD&ĐT tỉnh ta còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về công tác tổ chức cán bộ (CB), đến nay toàn tỉnh còn thiếu 475 giáo viên (GV); sau rà soát, phân bổ lại 190 biên chế cho các địa phương thì vẫn còn thiếu 350 biên chế GV; một số trường thiếu Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng thời gian dài gây khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy-học còn thiếu thốn, lạc hậu. Toàn tỉnh còn 87 phòng học nhờ, học tạm; nhiều trường chưa có nhà hiệu bộ; 43 trường không có phòng thí nghiệm thực hành; số phòng học đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chuẩn quốc gia, dạy học 2 buổi/ngày còn thiếu nhiều; một số điểm trường thiếu: nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, tường rào, trang thiết bị, đồ dùng dạy học… Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 11/91 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, cấp học phổ thông có 90/236 trường đạt chuẩn quốc gia; nhiều trường khi kiểm tra công nhận lại và công nhận mới không đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định...

 
Giờ học môn Lịch sử của học sinh lớp 8.1 Trường THCS Phan Chu Trinh (Thuận Nam).

Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự đôn đốc của Sở GD&ĐT, nỗ lực của các địa phương, năm học này, 100% trường tiểu học (TH) trên địa bàn tỉnh triển khai dạy tiếng Anh từ lớp 3. Do không có biên chế GV nên hầu hết các trường thống nhất với phụ huynh HS đóng góp kinh phí hợp đồng GV dạy tiếng Anh cho HS TH. Tuy nhiên, ở các trường vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, việc huy động đóng góp còn hạn chế; một số trường TH mới triển khai dạy tiếng Anh với thời lượng 2 tiết/tuần (tiêu chuẩn 4 tiết/tuần), chưa đảm bảo chất lượng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy-học còn hạn chế. Đội ngũ GV môn Tin học cấp THCS và TH còn thiếu (do không có biên chế). Hiện nay, Ninh Thuận là tỉnh duy nhất chưa triển khai dạy Tin học trong trường TH. Giáo dục mũi nhọn có chất lượng còn thấp. Đội ngũ CB, GV Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn vừa thiếu, chất lượng chưa cao. Các địa phương chưa có trường THCS chất lượng cao, phong trào giáo dục mũi nhọn chưa được quan tâm đẩy mạnh. Công tác tuyển sinh lớp 10 THPT những năm học qua ở một số trường không đủ chỉ tiêu, điểm xét tuyển đầu vào thấp; việc sử dụng kết quả xếp loại các năm học cấp THCS tham gia xét tuyển làm nảy sinh bệnh thành tích trong dạy học, tiêu cực trong dạy thêm học thêm, kiểm tra đánh giá thiếu thực chất, nhất là vùng thành phố…

Cùng chung tay giải quyết…

Trước những khó khăn, vướng mắc của ngành GD&ĐT, đại diện các sở, ngành tham gia buổi làm việc đã giải trình một số vấn đề liên quan; đề xuất một số giải pháp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng ngành GD&ĐT. Để hoàn thành mục tiêu và quyết tâm đưa ngành GD&ĐT phát triển, trên cơ sở giải trình, kiến nghị từ Sở GD&ĐT và các ban, ngành liên quan, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ CB, GV giai đoạn 2017-2020; nâng cao chất lượng GD&ĐT, công tác quản trị trường học; tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh đồng thuận, thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, đóng góp kinh phí duy trì triển khai dạy tiếng Anh từ lớp 3. Tập thể lãnh đạo ngành GD&ĐT thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khoa học trong lãnh đạo, tổ chức, điều hành, quản lý hoạt động; giữ gìn tập thể đoàn kết, thống nhất ý chí cao; chủ động, sáng tạo, quyết tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực hiện kịp thời, đúng chính sách đối với CB, GV, học sinh, không để phát sinh bất kỳ khoản đóng góp nào ngoài quy định cũng tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp cùng Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh giải quyết một số vấn đề ngành GD&ĐT còn vướng mắc. Trong đó, Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT rà soát biên chế đội ngũ GV; xem xét đề xuất bổ nhiệm CB quản lý ngành GD&ĐT đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở GD&ĐT tham mưu, xây dựng lộ trình kế hoạch triển khai dạy môn Tin học cấp TH. Văn phòng UBND tỉnh nghiên cứu, phân bổ nguồn vốn ngân sách xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh… 

Tin rằng với sự quan tâm sâu sát của UBND tỉnh, sự đồng hành của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, phụ huynh học sinh và nhân dân địa phương, ngành GD&ĐT tỉnh ta sẽ sớm khắc phục khó khăn, gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người.