Thử nghiệm mô hình trồng táo sử dụng lưới che chắn côn trùng

(NTO) Táo là một trong những cây ăn quả được trồng phổ biến và mang lại hiệu quả kinh tế cao của nông dân tỉnh Ninh Thuận. Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, trong năm 2017, diện tích trồng táo toàn tỉnh khoảng 960 ha.

Táo là loại cây dễ trồng, cây có thể cho quả quanh năm. Tuy nhiên, quả táo rất dễ bị nhiều loại sâu bệnh tấn công làm giảm chất lượng, đặc biệt là ruồi đục quả. Theo phương pháp truyền thống, người trồng táo thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ. Tuy nhiên, từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 2 - 3 tháng, do quả chín không tập trung nên táo thu hoạch thành nhiều đợt. Vì vậy, càng khó trong việc phòng trừ sâu bệnh hại bằng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là đảm bảo thời gian cách ly an toàn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến người tiêu dùng cũng như người nông dân trồng táo.

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Viện) đã nghiên cứu nhiều biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại táo; trong đó, việc ứng dụng lưới che chắn côn trùng bao xung quanh vườn táo đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc phòng ngừa sâu hại nói chung, đặc biệt là ruồi đục quả táo. Việc sử dụng lưới che chắn côn trùng bao quanh vườn táo có những ưu điểm sau: Lưới che chắn côn trùng không cho côn trùng, đặc biệt là ruồi đục quả xâm nhập vào trong vườn táo; tiết kiệm chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ ruồi đục quả; lưới có tác dụng làm giảm ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, đặc biệt là gió; góp phần hạn chế hiện tượng rụng quả (nhất là nghịch mùa vụ), vào giai đoạn nghịch mùa vụ, sản lượng táo ít, giá cao nên nâng cao hiệu quả kinh tế; hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quả táo có màu sắc đẹp hơn, nên các thương lái thu mua táo với giá cao hơn so với táo sản xuất thông thường. Trong những năm gần đây, phần lớn doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp luôn ký hợp đồng thu mua với giá cao và ổn định đối với các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao; vì vậy, khi áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn không còn tình trạng “được mùa, rớt giá” như trước đây.

Từ tiền đề và triển vọng của kết quả thử nghiệm mô hình trồng táo sử dụng lưới che chắn côn trùng xung quanh vườn, trong thời gian đến Viện sẽ tiếp tục triển khai và tư vấn nhân rộng mô hình này ra cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhằm nâng cao giá trị và chất lượng quả táo, góp phần tăng thu nhập cho người dân.