Tạo sức bật mới từ “3 tăng” của ngành Ngân hàng Ninh Thuận

(NTO) Năm 2017, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,5%, gần xấp xỉ với mục tiêu đề ra và tăng 0,9% so với năm 2016. Góp phần vào sự tăng trưởng đó có tác động tích cực từ nguồn vốn đầu tư của ngành Ngân hàng.

Tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh

Đồng chí Lê Văn Cương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Trong năm 2017, đơn vị tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; hỗ trợ hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn, khuyến khích phát triển tín dụng xanh. Với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm từ 18-20% và kết quả đáng phấn khởi là tính đến cuối năm 2017 toàn ngành đã thực hiện đạt “3 tăng”: Huy động vốn đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 18,23%; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 12,1%; dư nợ cho vay đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 18,16% so với năm 2016. Trong đó, công tác huy động vốn đạt khá đã “tiếp sức” cho các Ngân hàng thương mại (NHTM) chủ động điều chỉnh dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh với dư nợ đạt 14.819 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cuối năm trước, chiếm 87,8% tổng dư nợ cho vay.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Ninh Thuận đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Một trong những thành quả nổi bật của năm 2017 đó là vốn tín dụng đã đến với doanh nghiệp bằng lãi suất hợp lý, đặc biệt đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của tỉnh. Các ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của ngành trong việc duy trì ổn định mặt bằng lãi suất và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp. Điển hình là Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp được đánh giá cao, bởi từ chương trình này giữa ngân hàng với doanh nghiệp đã thực sự cùng bắt tay hợp tác trên tinh thần bình đẳng hai bên cùng có lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Đồng chí Lê Văn Cương cho biết thêm: Đơn vị đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương phối hợp với ngành đánh giá, nhận diện những khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh... Nói như ông Hồ Chu Vân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đây còn là sự “thấu cảm” giữa doanh nghiệp với ngân hàng để cùng nhau phát triển. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề nguồn vốn, mà còn góp phần củng cố niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Qua kết nối, đến nay đã có 4 chi nhánh NHTM trên địa bàn ký kết đầu tư tín dụng cho 14 doanh nghiệp với số tiền 1.720 tỷ đồng. Ngoài ra, các NHTM còn chủ động tìm kiếm khách hàng có nhu cầu để hợp tác. Kết quả đáng mừng là trong số hơn 2.640 doanh nghiệp trên toàn tỉnh thì đã có gần 50% trong số này đang vay vốn các ngân hàng với dư nợ trên 6.350 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cuối năm 2016, chiếm 42,3% tổng dư nợ cho vay của các NHTM. Thực tế cho thấy, các NHTM vẫn còn rất nhiều “dư địa” để đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp...

Đồng hành cùng nông dân

Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, trong năm 2017, các chương trình tín dụng trọng điểm khác cũng được ngành Ngân hàng triển khai tích cực, tháo gỡ những vướng mắc cho bà con nông, ngư dân vay vốn. Theo lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, trong năm, riêng đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã chiếm 25,25% tổng doanh số cho vay trên địa bàn tỉnh, tăng 3% so với năm 2016. Tính đến cuối năm 2017, có trên 40.650 lượt khách hàng còn dư nợ, với số vốn vay tăng 28,66% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 31,1% tổng dư nợ tín dụng. Là ngân hàng có bề dày gắn bó với “tam nông” trên địa bàn tỉnh, anh Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phấn khởi: Năm 2017, bằng nhiều nỗ lực, đơn vị đã đạt tổng dư nợ trên 5.175 tỷ đồng, tăng 857 tỷ so với năm trước, tốc độ tăng trưởng 19,85%, đạt 102% kế hoạch. Trong số này, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên 4.190 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 81%/tổng dư nợ. Đáng nói là nhiều chương trình đầu tư trọng điểm đơn vị thực hiện đều đạt và vượt kế hoạch được giao, góp phần tạo nên giá trị tăng trưởng mới cho nông nghiệp của tỉnh.

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn vay cho
người dân xã Phước Đại (Bác Ái). Ảnh: V.M

Việc cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP và cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng được chú trọng đúng mức. Trong năm 2017, đã có thêm 12 ngư dân được xét vay vốn theo Nghị định 67 và Nghị định 89 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 168,38 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu chương trình, đã có 41 ngư dân được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ. Trong đó, 37 ngư dân đã ký hợp đồng tín dụng với số tiền cam kết cho vay là 351,437 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 83,5%, đến nay có 31 tàu đã hạ thủy và đi vào hoạt động. Là một trong những ngư hộ được vay vốn theo Nghị định 67, ông Đỗ Ngọc Liên, xã Phước Diêm (Thuận Nam), chủ tàu hành nghề câu, tàu vỏ gỗ bọc composite, với công suất 800 CV, chia sẻ: Nếu không có Nghị định 67 của Chính phủ thì ước mơ có được con tàu lớn để vươn khơi đánh bắt xa bờ của gia đình tôi khó thành hiện thực như ngày hôm nay.

Không chỉ có vậy, nguồn vốn ngân hàng còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển xã hội, với trên 95.720 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn với tổng dư nợ đạt 1.760 tỷ đồng, tăng 10,41% so với cuối năm 2016. Trong đó, hộ nghèo chiếm 17,33%; hộ cận nghèo chiếm 19,43%; hộ mới thoát nghèo chiếm 22,44%; học sinh, sinh viên vay vốn học tập chiếm 13,92% và nhiều chương trình quan trọng khác về xóa đói, giảm nghèo như công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn…

Tin chắc rằng, tất cả điều này sẽ tạo thêm niềm tin tốt đẹp từ người dân, ngân hàng đến nhà đầu tư tham gia thị trường trước thềm năm mới 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất chí lý khi nói rằng: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy cùng nhau” và sự đồng lòng bao giờ cũng giúp vượt khó dễ dàng hơn.