Tạo chuyển biến trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa

(NTO) Trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) trên địa bàn tỉnh được đông đảo nhân dân, cơ quan, đơn vị tham gia hưởng ứng, tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Tính bền vững của phong trào xây dựng GĐVH được nâng lên, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng vững chắc.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên tuyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về thực hiện xây dựng GĐVH như: Luật Hôn nhân &Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tổ chức hội thi, hội diễn, các buổi giao lưu, tọa đàm và hội nghị biểu dương GĐVH từ tỉnh đến cơ sở, làm cho mỗi người dân trên địa bàn tỉnh hiểu hơn về vai trò và vị trí của GĐVH trong xã hội. Thông qua công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phong trào xây dựng GĐVH. Các gia đình trên địa bàn tỉnh đều phấn đấu thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng danh hiệu GĐVH, luôn gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, vợ chồng bình đẳng, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và chủ động xoá đói, giảm nghèo, năng động làm giàu chính đáng…

Điển hình như phong trào thi đua thực hiện các hương ước, quy ước ở khu dân cư đã được các địa phương trong tỉnh triển khai và được các gia đình thực hiện đạt nhiều kết quả. Đến nay, có 398/402 khu dân cư đã xây dựng quy ước, hương ước; toàn tỉnh đã xây dựng 398 tổ hoà giải ở cơ sở, có 2.143 tổ nhân dân tự quản về an ninh, trật tự và an toàn giao thông, 97% hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội,… Trên 90% hộ gia đình có 3 công trình hợp vệ sinh đã góp phần thiết thực trong phong trào thi đua bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương.

Đồng chí Văn Công Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của các thành viên trong gia đình không ngừng được nâng cao, tỷ lệ đăng ký và đạt danh hiệu GĐVH trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo và tiến hành thực hiện tốt việc bình xét công khai, dân chủ, đảm bảo tiêu chuẩn nên chất lượng phong trào ngày càng nâng lên, việc bình xét các GĐVH tiêu biểu tạo nên khí thế thi đua trong phong trào. Trong năm 2017 có hơn 143.989 hộ đăng ký xây dựng GĐVH và đến cuối năm có 130.000 hộ được công nhận GĐVH. Toàn tỉnh có 321/402 thôn, khu phố văn hóa được công nhận; 12/18 phường, thị trấn đạt văn minh đô thị và dự kiến công nhận 2 xã văn hóa nông thôn mới vào đầu năm 2018. Cùng với việc tôn vinh những gia đình đạt danh hiệu GĐVH thì cũng xuất hiện những gia đình tiêu biểu, tiên tiến với những việc làm cụ thể được bà con làng xóm quan tâm, nể phục như: Gia đình hiếu học; gia đình vươn lên phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo; gia đình tích cực với công tác từ thiện; gia đình đồng thuận hiến đất để làm đường liên thôn, xây dựng trường học, nhà văn hóa thôn… Chính những hoạt động xã hội cụ thể này đã làm cho nội dung phong trào xây dựng GĐVH ngày càng phong phú, đa dạng với những kết quả thiết thực không chỉ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi gia đình mà còn đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Đồng chí Văn Công Hòa, cho biết thêm: Phong trào xây dựng GĐVH được xem là yếu tố quan trọng có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển KT-XH của từng địa phương. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm, phối hợp hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí và vai trò của GĐVH trong quá trình phát triển KT-XH, không nên coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành văn hóa. Công tác phát triển phong trào xây dựng GĐVH cần gắn kết chặt chẽ với công việc xây dựng làng văn hóa, thôn văn hóa. Ðiều đó vừa là chỗ dựa, vừa tạo điều kiện cho GĐVH hòa nhập với xã hội. Việc thực hiện quy ước, hương ước cộng đồng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa nơi công cộng, bài trừ tệ nạn xã hội... tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh. Từ những kết quả đạt được cùng những định hướng phát triển trong thời gian tới, với sự phối hợp, triển khai có hiệu quả của các cấp, ngành, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân chắc chắn công tác xây dựng GĐVH sẽ tiếp tục đạt được kết quả cao hơn, góp phần vào sự phát triển toàn diện về KT-XH của địa phương.