Đoàn công tác Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực làm việc với UBND tỉnh về tiến độ thực hiện các dự án năng lượng tái tạo

(NTO) Ngày 12-4, Đoàn công tác Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã có buổi làm việc với UBND tỉnh để nghe báo cáo tiến độ thực hiện các dự án năng lượng tái tạo tại địa phương. Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đoàn.

Qua rà soát, hiện trên địa bàn tỉnh ta có 15 dự án điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện lực; trong đó, có 12 dự án được tỉnh cấp giấy chứng nhận và chủ trương đầu tư, quy mô công suất khoảng 748,75 MW, tổng vốn đăng ký khoảng 27.577 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực điện mặt trời, tỉnh cũng đã lập xong quy hoạch đang trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 79 địa điểm phát triển điện mặt trời với quy mô công suất khoảng 8.381 MW. Hiện nay, lĩnh vực điện gió có 1 dự án đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2, có 3 dự án đang tiếp tục thi công, 6 dự án đang tích cực hoàn tất thủ tục để khởi công; lĩnh vực điện mặt trời có 24 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, tổng quy mô công suất khoảng trên 1.528 MW, trong đó có 2 dự án đã khởi công.

Để đảm bảo các nhà máy điện mặt trời và điện gió khi đi vào hoạt động, nguồn năng lượng sản xuất ra được tiêu thụ hết, tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn công tác, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá hiện trạng lưới điện tại các khu vực dự án, đề xuất phương án đấu nối cụ thể cho từng khu vực. Trong đó, nhấn mạnh tới những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; việc xây dựng thêm hệ thống đường dây và các trạm biến áp nâng áp để kết nối vào lưới điện quốc gia…

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
với Đoàn công tác Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những ý kiến mà các thành viên của Đoàn công tác đã chia sẻ. Đồng thời mong muốn Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực tiếp tục quan tâm, kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm phê duyệt Quy hoạch điện mặt trời tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xem xét đầu tư, cải tạo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật truyền tải để kết nối với các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh; sớm điều chỉnh tăng giá điện gió theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh chủ trương thí điểm xã hội hóa việc đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải trong điều kiện nguồn vốn EVN đang gặp khó khăn. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của Đoàn công tác để tham mưu UBND lựa chọn phương án tối ưu nhất, đảm bảo việc thi công hạ tầng lưới điện phù hợp với quy hoạch chung, nhất là quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tránh tình trạng trong một khu vực xây dựng nhiều tuyến đường dây, trạm biến áp, gây lãng phí trong đầu tư và tài nguyên đất đai.

Thay mặt đoàn công tác, ông Nguyễn Thái Sơn, Quyền Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Đồng thời yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành theo dõi, kiểm tra tiến độ triển khai các dự án, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về phát triển năng lượng tái tạo. Đối với các kiến nghị của tỉnh, đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ để đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương có cơ chế điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện để Ninh Thuận triển khai thành công 2.000 MW điện mặt trời đến năm 2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Trong khuôn khổ chuyến làm việc, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa vị trí đề xuất đầu tư tổ hợp Nhà máy Điện khí Cà Ná, Dự án Nhà máy Điện gió Mũi Dinh, Dự án Trang trại điện mặt trời Bàu Ngứ (Thuận Nam); Nhà máy Điện gió Đầm Nại, Dự án Nhà máy Điện gió Trung Nam (Thuận Bắc) và Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (Ninh Sơn).