Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà

Với sự đồng hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên (CBGV) và học sinh (HS), sau 49 năm quê hương, đất nước hòa bình, thống nhất và 32 năm tái lập tỉnh, quy mô, chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh ta ngày càng khởi sắc. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển nhanh và bền vững.

Ngược thời gian về năm học 1975-1976, năm học đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam, Ninh Thuận chỉ có khoảng 30.000 HS phổ thông, riêng hệ thống giáo dục mầm non (MN) hầu như không có. Tháng 4/1992, tỉnh Ninh Thuận tái lập. Thời điểm ấy, hệ thống GD&ĐT tuy có bước phát triển so với trước, song nhìn chung cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học vẫn còn thiếu thốn. Toàn tỉnh chỉ có 55 cơ sở giáo dục MN, 106 trường tiểu học, 18 trường THCS, 5 trường THPT với khoảng 82.000 HS. Nhiều xã chưa có trường MN, tiểu học; HS phải học nhờ học tạm, học ca ba; tình trạng HS bỏ học còn cao...

Để hỗ trợ phát triển GD&ĐT, những năm qua, tỉnh ta có một số chính sách đặc thù như: Chính sách hỗ trợ thực hiện thí điểm Chương trình sữa học đường trên địa bàn huyện Bác Ái giai đoạn 2019-2020; chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mẫu giáo thuộc diện hộ cận nghèo ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; chế độ đặc thù đối với CBGV và HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn; quy định chính sách không thu học phí có thời hạn trong năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19; quy định chính sách hỗ trợ cho HS không đủ điều kiện hưởng chế độ bán trú thuộc các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2026... Cùng với đó, thông qua các nguồn vốn, từ năm 2013-2022 toàn tỉnh đầu tư trên 1.880 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới 1.543 phòng học, tạo điều kiện thuận lợi cho CBGV, HS có không gian học tập, sinh hoạt khang trang.

Giờ thực hành cơ điện tử của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: Mỹ Dung

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 297 cơ sở giáo dục, bao gồm 295 cơ sở giáo dục MN, phổ thông và 2 trung tâm với trên 10.400 CBGV, nhân viên và trên 149.000 HS các cấp học. cơ sở vật chất trường lớp từng bước được chuẩn hóa, hiện đại hóa, số phòng học bộ môn tăng dần. Tính đến tháng 3/2024, toàn tỉnh có 131 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 63%. Cùng với hệ thống cơ sở giáo dục công lập, các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng 26 trường, hơn 210 nhóm lớp MN và 2 trường liên cấp ngoài công lập đào tạo HS từ cấp MN đến THPT. Việc thành lập, phát triển của mô hình giáo dục ngoài công lập góp phần xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập của HS, giảm tải áp lực cho các trường công lập.

Công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ CBGV cơ bản được thực hiện đúng quy định, phù hợp với đặc thù mỗi địa phương và đảm bảo các tiêu chí, mục tiêu đề ra. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm đẩy mạnh, góp phần nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; hỗ trợ chi trả lương cho đội ngũ lao động không có trong biên chế, không thể trả lương từ ngân sách nhà nước như giáo viên tiếng Anh tiểu học, nhân viên cấp dưỡng MN; khen thưởng HS, CBGV đạt thành tích tốt trong học tập, giảng dạy; giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện đến trường và thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường.

Trường THCS Trần Phú trang bị "Thư viện xanh" để thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường. Ảnh: Văn Nỷ

Ngành GD&ĐT cũng đã xây dựng kế hoạch, tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên các mặt quản lý giáo dục, quản trị nhà trường, đổi mới phương thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá trên nền tảng công nghệ, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân ở vùng khó khăn.

Từ năm 2000, tỉnh ta đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học và xóa mù chữ; năm 2008, đạt chuẩn PCGD THCS và năm 2016 hoàn thành PCGD tiểu học, giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi. Trong những năm học qua, tỉnh ta có nhiều thế hệ HS đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Tiêu biểu như các em: Nguyễn Tấn Dũng, cựu HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn được Hội Vật lý Việt Nam chọn là một trong 5 đại diện của Việt Nam tham gia Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu năm 2022; em Đổng Trọng Nghĩa, cựu HS Trường Tiểu học Mỹ Hương (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) xuất sắc vượt qua hơn 1.000 thí sinh đến từ 22 quốc gia trên thế giới để giành giải Nhì cuộc thi Toán trí tuệ quốc tế năm 2019 tại Thái Lan...

Đặc biệt, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các ngành, địa phương và sự nỗ lực của HS và đội ngũ nhà giáo, chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục mũi nhọn những năm gần đây có nhiều khởi sắc, số HS đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia được nâng lên đáng kể, đặc biệt có nhiều giải cao. Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024, tỉnh ta có 27 HS đoạt giải, tăng 13 giải so với năm học trước. Trừ môn Lịch sử, các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Địa lý và Tiếng Anh đều có HS đoạt giải. Chất lượng giải cũng được nâng lên với 3 giải nhì, 7 giải ba và 17 giải khuyến khích. Duy trì, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng cả giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, PCGD, xóa mù chữ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH địa phương.