Đổi thay trên quê hương anh hùng

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp ghé thăm quê hương các anh hùng lực lượng vũ trang trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Phát huy truyền thống của quê hương, cấp ủy, chính quyền các địa phương luôn quan tâm chỉ đạo tăng cường khối đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đến xã Phước Thái (Ninh Phước) ai cũng biết đây là quê hương của liệt sĩ Đổng Dậu. Sau năm 1975, tiếp bước truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương ra sức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đồng chí Võ Minh Tân, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thái cho biết: Để đưa quê hương phát triển đi lên, những năm qua, xã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây trồng mới có khả năng thích nghi với khi hậu, năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật có hiệu quả kinh tế như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với diện tích 900ha; mô hình cánh đồng lớn với diện tích 220ha, cho năng suất đạt 7 tấn/ha, góp phần tăng thu nhập cho người dân; mô hình trồng bưởi da xanh, táo theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 20ha. Bên cạnh đó, bà con còn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng trang trại, gia trại, với tổng đàn 4.800 con. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 2,46%.

Xã Phước Thái (Ninh Phước) ngày càng khởi sắc.

Kinh tế ổn định, chất lượng cuộc sống nâng lên, người dân thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm góp sức xây dựng quê hương. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân địa phương đã đóng góp trên 18 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Đến nay, toàn xã đã bê tông trục đường liên thôn đạt 100%; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới và nước hợp vệ sinh, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân. Đi trên những con đường bê tông sạch đẹp, nhà cửa xây dựng khang trang, chúng tôi thật sự vui mừng trước sự đổi thay thấy rõ của địa phương.

Rời quê hương anh hùng Đổng Dậu, chúng tôi ngược lên xã miền núi Phước Trung (Bác Ái), quê hương của anh hùng Pi Năng Thạnh và Chamaléa Châu. Trong kháng chiến, bà con đồng bào Raglai xã Phước Trung một lòng đi theo Đảng, quyết tâm giành lại từng tấc đất quê hương. Sau ngày hòa bình lập lại, được sự hỗ trợ của Nhà nước, Phước Trung đổi thay từng ngày với những con đường bê tông, những ngôi nhà khang trang mọc lên. Ông Chamaléa Nếp, Bí thư Chi bộ thôn Rã Trên cho biết: Đời sống của bà con Phước Trung bây giờ khác trước nhiều lắm, người dân được ở trong nhà xây khang trang, sạch đẹp. Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm y tế, hồ chứa nước, đưa nông thôn miền núi vươn lên. Bà con xã Phước Trung vui mừng với những đổi thay của quê hương.

Trao đổi với đồng chí Chamaléa Thị Lánh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Trung, chúng tôi được biết Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ giúp người dân phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên giảm nghèo bền vững. Bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác cây lúa với diện tích trên 200ha chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi hồ Phước Trung, hồ Phước Nhơn, cho năng suất cao; nhiều mô hình trồng bắp, đậu được người dân triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm nguồn lương thực cho người dân. Nông dân chủ động tích lũy vốn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc có sừng với tổng đàn trâu, bò, dê, cừu trên 22.370 con. Đời sống gia đình phát triển, người dân thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm góp sức xây dựng quê hương.

Cơ sở hạ tầng Cà Ná (Thuận Nam) ngày càng được đầu tư, xây dựng khang trang. Ảnh: Văn Nỷ

Xuôi về vùng biển, ghé thăm xã Cà Ná (Thuận Nam), chúng tôi chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ trên quê hương anh hùng Đặng Chí Thanh, chính trị viên Đoàn tàu không số năm xưa, vận chuyển vũ khí cho miền Nam. Từ một làng chài ven biển đời sống trung bình, nhờ được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của toàn Đảng bộ và nhân dân, đến nay sau 32 năm tái lập tỉnh, Cà Ná đã có bước phát triển mới, đời sống ngư dân sung túc nhất trong số các xã biển trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn xã có 317 tàu thuyền, với công suất từ 74.183CV, hằng năm, sản lượng đánh bắt hải sản đạt gần 32.000 tấn. Nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương cũng phát triển mạnh, với tổng diện tích trên 6ha, sản lượng thu hoạch đạt 200 tấn/năm. Ngoài ra, người dân còn phát triển nghề chế biến nước mắm, hấp cá mang lại nguồn thu đáng kể cho các gia đình và tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

Đồng chí Bạch Thuận Phú, Chủ tịch UBND xã Cà Ná cho biết: Sau 32 năm tái lập tỉnh, 15 năm thành lập xã, Cà Ná hôm nay phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó kinh tế thủy sản vẫn giữ vai trò mũi nhọn. Hoạt động du lịch, thương mại - dịch vụ phát triển sôi động, đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Nhiều công trình điện, cảng biển, hệ thống bờ kè chắn sóng, đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, cuộc sống người dân được nâng lên, với diện mạo mới đẹp hơn, sung túc hơn.

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cà Ná đang ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiến tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.