Sức lan tỏa từ mô hình cánh đồng lớn

(NTO) Vụ đông - xuân 2018, toàn tỉnh triển khai 9 cánh đồng lớn (CĐL) sản xuất lúa, bắp và mía, với tổng diện tích 986,25 ha. Trong đó, huyện Ninh Phước 6 cánh đồng lúa ở các xã: Phước Thái, Phước Hậu, Phước Thuận, thị trấn Phước Dân và 1 cánh đồng bắp ở xã Phước Vinh; huyện Ninh Hải 1 cánh đồng lúa ở xã Xuân Hải; huyện Thuận Nam 1 cánh đồng lúa ở xã Phước Nam; huyện Bác Ái 1 cánh đồng mía ở xã Phước Thắng.

Đến nay, các CĐL đã thu hoạch, năng suất và chất lượng cao, tạo được niềm tin phấn khởi trong nông dân tiếp tục tham gia thực hiện mô hình trong thời gian tới, tạo thành phong trào lan tỏa rộng khắp.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, mô hình CĐL triển khai trong vụ đông - xuân đạt được kết quả toàn diện, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển lên. Về mặt kinh tế, sản xuất lúa theo mô hình CĐL tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư, lợi nhuận thu cao hơn 10 - 20% so với sản xuất đại trà. Cụ thể, đối với cây lúa năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha, doanh nghiệp thu mua sản phẩm giá cao hơn ngoài thị trường tại thời điểm hiện tại 200 đồng/kg, lợi nhuận thu được 35 triệu đồng/ha. Cây bắp, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha, doanh nghiệp thu mua giá 8.500 đồng/kg, nông dân thu lãi từ 40 - 45 triệu đồng/ha. Riêng cây mía đang ở giai đoạn vươn lóng, dự kiến tháng 6 tới thu hoạch. Đối với mặt xã hội, hiệu quả rõ nhất là hình thành được mối liên kết giữa nông dân với nông dân; giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi giá trị. Thông qua hoạt động liên kết, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần vào đảm bảo an sinh trong khu vực. Nhờ có sự đầu tư đúng mức của doanh nghiệp, nên cơ sở hạ tầng tại khu vực thực hiện mô hình được cải tạo, nâng cấp, tạo thuận lợi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) thu hoạch lúa đông - xuân. Ảnh: V.M

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận: Thành công trên phải ghi nhận có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh trong thực hiện mô hình. Ngay từ đầu vụ, tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch về giao chỉ tiêu triển khai mô hình; thực hiện chính sác hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát động phong trào thi đua sản xuất CĐL, tạo làn gió mới thu hút các thành phần xã hội tích cực tham gia chương trình. Quá trình thực hiện, tỉnh thành lập đoàn công tác đi kiểm tra thực địa, kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Từ sự đôn đốc của cấp trên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, các huyện đăng ký thực hiện mô hình CĐL đã làm tốt công tác củng cố, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, đảm nhiệm tốt vai trò “tập hợp” các thành viên “dồn điền” sản xuất trên quy mô lớn, theo một quy trình kỹ thuật tiên tiến. Với bề dày kinh nghiệm làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất bắp giống, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh, Ninh Phước) có năng lực chỉ đạo điều hành tốt trong thực hiện mô hình CĐL. Góp phần làm nên thành công còn có vai trò của doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình CĐL từ đầu đến cuối vụ. Công ty TNHH hạt giống CP, Công ty Giống cây trồng Đông Nam, Công ty Cổ phần giống cây trồng Nha Hố, Công TNHH - MTV Nông Hưng Phát… đã đầu tư mạnh về khoa học - kỹ thuật, giống, vật tư nông nghiệp cho nông dân sản xuất, tạo cơ hội để nhiều hộ nghèo tham gia chương trình, nâng cao thu nhập.

Theo kế hoạch, vụ hè - thu 2018 bên cạnh duy trì những CĐL triển khai ở vụ đông-xuân, các địa phương thực hiện thêm 5 CĐL. Điều đáng quan tâm trong thực hiện chương trình ở vụ tới là mở rộng sang sản xuất các loại cây đặc thù có giá trị kinh tế cao. Mô hình CĐL sản xuất măng tây xanh quy mô 20 ha tại thôn Tuấn Tú xã An Hải (Ninh Phước) và CĐL sản xuất nho quy mô 30 ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) hứa hẹn tạo đột phá trong nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, có thể đạt trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu cao, đang là khó khăn cho nông dân cần được giúp đỡ. Theo tính toán, sản xuất 1 ha măng tây xanh, chỉ tính riêng tiền giống đã hết 600 triệu đồng, mức đầu tư này không phải hộ nào cũng có điều kiện. Vì vậy, để công tác xây dựng CĐL diễn ra thuận lợi, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình. Bên cạnh sử dụng kinh phí hỗ trợ một phần về giống theo Quyết định số 65/QĐ-UBD ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các địa phương cần tạo mọi điều thuận lợi để nông dân tiếp cận được vốn vay ngân hàng; đồng thời, thực hiện phương thức đầu tư và liên kết; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò cung ứng giống, hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, thu mua sản phẩm cho nông dân.