Chính sách hạt nhân và sự ổn định chiến lược tại Nam Á

Trong lịch sử phát triển hạt nhân, tháng 5 có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với khu vực Nam Á bởi trong tháng này, cả Ấn Độ và Pakistan đều đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân của mình. Tình trạng hạt nhân hóa ở Nam Á đã nguy hiểm và diễn biến phức tạp đến mức trở thành một vấn đề đáng lo ngại không chỉ đối với an ninh khu vực mà còn của cả quốc tế.

Tháng 5-2018 đánh dấu 20 năm việc hạt nhân hóa được thực hiện công khai ở Nam Á. Tuy nhiên, có một thực tế thường bị lãng quên đó là quá trình này đã bắt đầu từ trước năm 1998. Nhiều người cho rằng quá trình hạt nhân hóa bắt đầu năm 1974, khi Ấn Độ thử nghiệm một loại thiết bị nguyên tử dưới vỏ bọc của một vụ nổ hạt nhân vì mục đích hòa bình (PNE). Thế nhưng, thực ra, những nỗ lực đưa vũ khí hạt nhân đến Nam Á xuất hiện thậm chí trước năm 1974. Chính vụ nổ hạt nhân vì mục đích hòa bình của Ấn Độ đã “kích hoạt” phản ứng dây chuyền trong khu vực và hệ quả là, Pakistan cũng khởi động thiết lập chương trình hạt nhân của chính mình với mục đích bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Trước vụ thử này của Ấn Độ, Pakistan không hề có ý định theo đuổi con đường hạt nhân.

Mặt khác, mối đe dọa từ Trung Quốc cũng là một lý do thúc đẩy New Delhi theo đuổi phát triển hạt nhân. Tuy nhiên, một tài liệu phân tích về tham vọng và quá trình phát triển hạt nhân của Ấn Độ lại cho thấy điều khác. Theo tài liệu này, chương trình hạt nhân của Ấn Độ ban đầu được lên kế hoạch là một chương trình vì mục đích hòa bình dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru (1947-1964). Ngoài ra, người ta cho rằng việc ứng dụng chương trình nguyên tử trong hoạt động quân sự đã được triển khai khi cựu Thủ tướng Lal Bahdur Shastari cầm quyền (1964-1966). Nhưng thực ra, chính thời kỳ chính phủ Nehru đã đặt nền móng cho chương trình nguyên tử của Ấn Độ bằng việc áp dụng “kế hoạch tổng thể” của Tiến sĩ Homi Jehangir Bhabha, người đã kết hợp chương trình hạt nhân dân sự với chương trình hạt nhân quân sự theo cái cách mà sự phát triển của chương trình dân sự cũng chính là sự phát triển của chương trình quân sự. Ông một mực tin rằng sự phát triển của nền văn minh Ấn Độ phụ thuộc vào năng lượng nguyên tử.

Những quan điểm này được thể hiện công khai vào năm 1948, khi đó, khái niệm về vụ nổ hạt nhân vì mục đích hòa bình thậm chí còn chưa xuất hiện. Trong khi đó, các tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ rằng Ấn Độ đã “để mắt” đến công nghệ phát nổ bằng hạt nhân từ năm 1954. Dòng thời gian của những dữ kiện này cho thấy chính quyền Nehru đã nhận thức được đường hướng tương lai cho chương trình hạt nhân Ấn Độ. Ngoài ra, điều này cũng khẳng định rằng khi nhắc đến chương trình hạt nhân, chính sách thực sự của Ấn Độ hoàn toàn khác xa các luận điệu và học thuyết mà họ đưa ra.

Sau đó vào năm 1974, bằng việc chiết xuất được plutonium từ nhiên liệu đã qua sử dụng ở lò phản ứng hạt nhân CIRUS ở Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Bhabha tại Trombay gần Mumbai, Ấn Độ, rồi sau đó qua quá trình tái chế dưới sự giám sát của Tiến sĩ Bhabha, Ấn Độ đã thử nghiệm thiết bị hạt nhân dưới cái mác của một vụ nổ hạt nhân vì hòa bình, nhằm né tránh chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, cuộc thử nghiệm này cũng được xem là một nỗ lực nhằm phát triển một biện pháp răn đe khi New Delhi chứng minh được năng lực công nghệ hạt nhân của mình trước tất cả các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, công cụ răn đe này cũng đã được New Delhi thiết lập khi ngăn chặn được nguy cơ bùng phát một cuộc chiến trong thời kỳ khủng hoảng quan hệ với Pakistan.

Và rồi sau 24 năm âm thầm phát triển chương trình hạt nhân, Ấn Độ đã quyết định thực hiện các cuộc thử nghiệm hạt nhân công khai vào tháng 5-1998. Rõ ràng, các cuộc thử nghiệm này đã làm thay đổi kiến trúc an ninh và môi trường chính trị không chỉ ở khu vực Nam Á mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc Ấn Độ phát triển hạt nhân bắt đầu trở thành một vấn đề đáng lo ngại khi nước này thực hiện chương trình năng lượng hạt nhân đầy tham vọng mà về thực chất là một công cụ nhằm hỗ trợ những tham vọng về phát triển lực lượng quân sự của mình.

Câu hỏi được đặt ra là khi Ấn Độ đã thiết lập và sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân trong 24 năm trước đó, thì điều gì đã bất ngờ thúc đẩy Ấn Độ tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân vào năm 1998. Ngay cả khi ai đó cho rằng Trung Quốc có là lý do đằng sau chương trình hạt nhân vì mục đích quân sự của Ấn Độ, song vào thời điểm đó, không hề xuất hiện bất kỳ mối đe dọa nào đối với New Delhi từ phía Bắc. Vì vậy, yếu tố thúc đẩy chính phủ Ấn Độ thử nghiệm hạt nhân vào năm 1998 chính là vì tham vọng trỗi dậy như một cường quốc “đáng gờm” trong hệ thống quốc tế đối với các quốc gia lân cận.

Vào cuối thế kỷ XX, cộng đồng quốc tế muốn Ấn Độ, Pakistan và Israel tham gia ký kết Hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT) để đạt được thành công mang tính quyết định trong nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ ký kết CTBT, thì điều đó chẳng khác nào “trói tay” New Delhi trong việc phát triển tất cả các loại tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Kết quả là quốc gia lớn nhất Nam Á này sẽ không bao giờ có thể phô diễn sức mạnh của mình ở khu vực và quốc tế.

Cục diện an ninh Nam Á đã thay đổi khi Ấn Độ thực hiện những hành động liên quan phát triển hạt nhân nhằm đạt được mục tiêu quốc gia là trở thành một cường quốc khu vực và quốc tế. Ngoài ra, việc này cũng kéo khu vực vào một cuộc chạy đua vũ trang không hồi kết. Vì vậy, để tránh chiến tranh và đối phó với Ấn Độ, Pakistan đã tìm kiếm biện pháp ngăn chặn hạt nhân như một công cụ giúp đem lại sự ổn định chiến lược trong một môi trường đầy rẫy xung đột và nghi ngờ lẫn nhau.