Khẩn trương nạo vét các hồ thủy lợi, phục vụ sản xuất

(NTO) Do quá trình sử dụng, các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã bị bồi lắng làm lượng nước chứa trong hồ bị giảm xuống so với thể tích thiết kế. Để ứng phó với trình trạng khô hạn, nâng cao năng lực phục vụ của các công trình, việc nạo vét mở rộng sức chứa lòng hồ thủy lợi là hết sức cần thiết hiện nay.

Trên địa bàn tỉnh, hiện có 21 hồ thủy lợi với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 195 triệu m3 nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, lượng nước thực tế chứa tại các hồ chỉ còn khoảng trên 100 triệu m3, trong đó có 9 hồ đã bị cạn xuống dưới mực nước chết. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nước tưới là do dung tích chứa tại các hồ đã bị sụt giảm bởi sự bồi lắng. Đơn cử như hồ Phước Nhơn (xã Phước Trung, Bác Ái), theo thiết kế có dung tích 780 ngàn m3 nước, khi ở mực nước chết, lương nước trong hồ vẫn còn khoảng hơn 80 ngàn m3, nhưng thực tế hiện nay, trong hồ chỉ còn lại vũng nước nhỏ ở gần khu vực cửa xả. Không có nước tưới, nhiều diện tích đất sản xuất hưởng lợi từ công trình thủy lợi này phải ngưng sản xuất. Đây cũng là khu vực thường xảy ra hạn hán cục bộ khi mới bước vào mùa khô.

Lòng hồ Phước Trung (Bác Ái) bị bồi lắng cạn trơ đáy từ đầu mùa khô năm nay.

Không chỉ hồ Phước Nhơn mà một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh ta cũng có tình trạng tương tự. Do các hồ là nơi có lưu lượng nước chảy lớn, độ dốc cao nên vào mùa mưa nước từ thượng nguồn đổ về mang theo đất, cát, sỏi lắng xuống lòng hồ, nhưng nhiều năm liền chưa được nạo vét, khắc phục. Theo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi, qua khảo sát khối lượng đất bồi lắng tại các lòng hồ là rất lớn, tuy nhiên trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, việc đầu tư nạo vét lòng hồ rất khó có khả năng thực hiện. Ông Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi cho biết: Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã xây dựng phương án nạo vét các hồ thủy lợi có khối lượng bồi lắng lớn để thu hồi mực nước chết. Cụ thể, tập trung nạo vét đất, cát, sỏi khu vực lòng hồ và mở rộng về phía thượng lưu để tăng dung tích hồ chứa tại 7 hồ nhỏ, trên tinh thần vận động xã hội hóa các doanh nghiệp có nhu cầu tận thu nguồn vật liệu để bù trừ kinh phí đã đầu tư nạo vét theo quy định.

Trên cơ sở đề xuất của Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi, UBND tỉnh đã đồng ý với chủ trương xã hội hóa việc nạo vét 7 hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh gồm: hồ Phước Trung, Phước Nhơn (Bác Ái), hồ Suối Lớn, Bàu Ngứ (Thuận Nam), hồ Ông Kinh (Ninh Hải) và hồ Bàu Zôn, Tà Ranh (Ninh Phước) với tổng khối lượng đất, sỏi nạo vét dự kiến trên 4,5 ngàn m3. Sau khi nạo vét, các hồ này sẽ tăng dung tích chứa lên thêm 15-20%, đáp ứng nhiệm vụ tưới thiết kế cho 1.273 ha đất sản xuất nông nghiêp tại các địa phương.

Chủ trương xã hội hóa nạo vét các lòng hồ là rất cần thiết trong điều kiện cấp bách về ứng phó với khô hạn hiện nay, nhằm tăng lượng nước dự trữ tại các hồ vào mùa mưa, khắc phục được tình trạng thiếu nước cục bộ tại các địa phương. Do đó công tác triển khai thực hiện cần khẩn trương, có hiệu quả theo đúng mục tiêu đã đề ra là phục vụ yêu cầu thiết thực, lâu dài cho sản xuất.