Việc Mỹ rút khỏi INF có thể gia tăng căng thẳng với Trung Quốc

Kế hoạch của Mỹ rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh với Nga có thể giúp Lầu Năm Góc có nhiều lựa chọn mới nhằm đối phó với sự tiến bộ tên lửa của Trung Quốc, song giới phân tích cảnh báo cuộc chạy đua vũ trang kế tiếp có thể gây gia tăng căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong nhiều năm qua, các quan chức Mỹ đã cảnh báo Washington đang bị đặt vào thế bất lợi trước sự phát triển ngày càng gia tăng của các lực lượng tên lửa trên bộ tinh vi của Trung Quốc, trong khi Lầu Năm Góc không thể sánh ngang do Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) giữa Mỹ và Nga. Tổng thống Donald Trump có ý định sớm trao cho Lầu Năm Góc cơ hội đương đầu với sự tiến bộ này, nếu ông đối phó được với mối đe dọa khi rút khỏi Hiệp ước INF, đòi hỏi việc thủ tiêu các tên lửa thông thường và hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.

Ông Dan Blumenthal, một cựu quan chức Lầu Năm Góc, hiện là chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận xét việc rút khỏi INF có thể mở đường cho Mỹ bố trí các tên lửa thông thường dễ ẩn nấp, cơ động hơn tại các địa điểm như đảo Guam và Nhật Bản. Khi đó, Trung Quốc sẽ khó khăn hơn trong việc cân nhắc một cuộc tấn công thông thường trước tiên nhằm vào các tàu và căn cứ của Mỹ trong khu vực. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng bị đẩy vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, buộc Trung Quốc chi nhiều hơn cho hoạt động phòng thủ tên lửa.

Cho tới nay, các quan chức Mỹ dựa vào các năng lực khác để làm đối trọng với Trung Quốc, như tên lửa bắn từ tàu chiến hoặc máy bay Mỹ. Tuy nhiên, những người ủng hộ một hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ của Mỹ cho rằng, đây là cách tốt nhất để ngăn Trung Quốc sử dụng các lực lượng tên lửa trên bộ khổng lồ của nước này. Chuyên gia Kelly Magsamen, người giúp vạch ra chính sách châu Á của Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, cho rằng năng lực của Trung Quốc hoạt động bên ngoài hiệp ước INF đã khiến nhiều nhà hoạch định chính sách ở Washington lo ngại, rất lâu trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống. Tuy nhiên, bà Magsamen bày tỏ thận trọng, bất kỳ chính sách mới nào của Mỹ hướng dẫn việc triển khai tên lửa ở châu Á sẽ cần được phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, điều mà dường như chưa xảy ra. Những kỳ vọng sai lầm xung quanh việc Mỹ rút khỏi INF cũng có thể gây bất ổn an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương.

Giới phân tích còn cảnh báo, Trung Quốc sẽ gây sức ép đối với các quốc gia trong khu vực, buộc các nước từ chối đề nghị của Mỹ cho phép bố trí tên lửa tại đó.