Đẩy nhanh tiến độ trên các công trình trọng điểm

(NTO) Cùng với cơ chế, chính sách ưu tiên của Chính phủ và quyết tâm thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhiều công trình lớn đang đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành và đi vào hoạt động. Những công trình trọng điểm hứa hẹn tạo động lực phát triển mạnh mẽ, khởi sắc trên những vùng đất khó.

Một trong những công trình trọng điểm, có tính cấp bách nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, ngăn xâm thực mặn, tích giữ nước ngọt phục vụ sản xuất, đó là Đập hạ lưu sông Dinh là công trình kết hợp giữa thủy lợi và giao thông, bao gồm các hạng mục đập dâng điều tiết nước tự động, cùng cầu nối 2 bờ sông Dinh dài 480m. Công trình được khởi công xây dựng từ cuối tháng 3-2017, với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Trung ương, dự kiến hoàn thành sau 23 tháng khởi công. Để tránh tác động của mưa lũ gây thiệt hại đến công trình Đập hạ lưu sông Dinh, các đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ, bố trí nhân lực, phương tiện chủ động hoàn thiện nhiều hạng mục quan trọng, hạn chế sự ảnh hưởng trước mùa mưa bão. Mặc dù việc thi công xây đập ngăn dòng sông Dinh tích nước, ngăn mặn có tính phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng với quyết tâm cao độ, sau hơn 18 tháng thi công, liên doanh nhà thầu đã thực hiện đạt 80% khối lượng xây dựng công trình. Ông Trần Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, chủ đầu tư dự án cho biết: Với quyết tâm hoàn thành công trình theo đúng tiến độ được duyệt, Chi cục Thủy lợi thường xuyên kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thi công giám sát, quản lý chất lượng và các đơn vị liên quan đảm bảo việc thi công đúng tiến độ, chất lượng và an toàn công trình. Trong thời gian tới, nếu được bố trí đủ nguồn vốn, các đơn vị thi công sẽ huy động nhân lực, vật lực tốt nhất để sớm hoàn thành công trình vượt tiến độ trước mốc quý I-2019, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Công trình Đập hạ lưu sông Dinh đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: NAT

Cùng với công trình Đập hạ lưu sông Dinh, công trình Hồ thủy lợi Tân Mỹ và hệ thống kênh chính cùng tuyến kênh cấp 1, khu tưới Tân Mỹ cũng đang được các đơn vị đẩy nhanh việc thi công, sớm đưa vào sử dụng để góp phần chủ động nguồn nước phục vụ đời sống và sản xuất của người dân. Theo các đơn vị thi công, về cơ bản tuyến kênh chính đã hoàn thành khoảng 90%, hiện đang tiến hành cấp nước cho hồ Cho Mo, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Các hạng mục còn lại được thi công theo hình thức cuốn chiếu, hoàn thành đến đâu sẽ tổ chức tiếp nhận và phân bổ nguồn nước cho các vùng tưới đến đó. Với tiến độ hiện nay, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 4-2019, đáp ứng công tác chống hạn của tỉnh. Nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tại một số đoạn, các địa phương đang khẩn trương phối hợp, tuyên truyền vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng, không để dự án chậm tiến độ.

 

Công nhân lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời tại Nhà máy
điện mặt trời BP Solar 1, xã Phước Hữu (Ninh Phước).

Bên cạnh các công trình dự án thủy lợi bổ sung nguồn nước tưới cho những vùng đất khô hạn, các công trình dự án năng lượng tái tạo cũng đang được các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ nhằm tranh thủ cơ hội đầu tư. Trong số các dự án năng lượng tái tạo, Dự án Nhà máy Điện gió Đầm Nại do liên doanh nhà thầu Công ty Cổ phần TSV (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty The Blue Circle (Singapore) xây dựng, đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 2 của dự án. Với việc lắp đặt thêm 12 trụ turbine gió (trước thời hạn 3 tháng so với kế hoạch), đã nâng tổng số 15 trụ điện gió đi vào hoạt động. Hiện đơn vị chủ đầu tư đang tiến hành chạy thử kiểm tra turbine, đến cuối tháng 11-2018 sẽ chính thức phát điện thương mại. Như vậy, chỉ sau 10 tháng triển khai thi công, Dự án Điện gió Đầm Nại đã cơ bản hoàn thành 2 giai đoạn, với tổng công suất 40MW. Dự kiến, sau khi hoàn thành giai đoạn 2, chủ đầu tư tiếp tục triển khai mở rộng giai đoạn 3 và 4. Phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành việc lắp đặt 40 turbine, đưa tổng công suất Nhà máy Điện gió Đầm Nại đạt khoảng 105 MW, tổng sản lượng điện khoảng 350 triệu kWh/năm.

Theo sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện nay, trong số 29 dự án năng lượng tái tạo đã cấp chủ trương đầu tư, có 18 dự án đã khởi công với tổng vốn đầu tư 21.543 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay và 15 dự án hoàn thành trước tháng 6-2019. Hầu hết các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đang được các chủ đầu tư khẩn trương triển khai theo đúng tiến độ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Có thể khẳng định, đây là những công trình tạo dấu mốc quan trọng thúc đẩy CNH, HĐH trên quê hương Ninh Thuận, góp phần tạo nguồn lực phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.