Chỉ số CPI 9 tháng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng

(NTO) Theo Cục Thống kê tỉnh, trong kỳ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2018, nếu so với tháng trước chỉ số này tăng 0,68%; trong đó, khu vực thành thị tăng 0,85% và khu vực nông thôn tăng 0,50%.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có tới 9 nhóm có chỉ số giá tăng, 1 nhóm có chỉ số giá giảm và 1 nhóm có chỉ số giá ổn định, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,10%; đồ uống, thuốc lá tăng 0,48%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,08%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,86%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,28%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; giao thông tăng 0,75%; giáo dục tăng 8,32%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04% (nhóm có chỉ số giảm là văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,22%. Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông tương đối ổn định).

Nguyên nhân CPI tháng 9 tăng chủ yếu do giá đồ dùng học tập tăng 2,35%; giá học phí các trường tư thục, dân lập tăng 9,25%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 6,04%; dịch vụ điện sinh hoạt tăng 2,98%; dịch vụ nước sinh hoạt tăng 4,58% tăng do mức lương cơ sở tăng; giá gas tăng 2,73% (tăng 10.000 đồng/bình 12kg các loại); giá xăng, dầu tăng 1,81%. Mặt khác, do nhu cầu tiêu dùng nhiều nên nhóm thịt gia súc tươi sống cũng đang tăng cao với 1,53% làm cho các loại thực phẩm chế biến từ thịt tăng 2,99%; thịt gia cầm tươi sống tăng 1,48%; các loại đậu, hạt tăng 0,80%; rau tươi các loại tăng 0,28% do ảnh hưởng mưa lớn và lũ quét làm cho giá rau, củ tăng.

Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà. Ảnh: V.Miên

Với các yếu tố tác động trên đã đẩy CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,77% so với tháng 12-2017 và tăng 3,91% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,82%. Đáng chú ý là chỉ số giá nhóm gạo các loại tăng 1,34% do tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo gặp nhiều thuận lợi ở các thị trường nhập khẩu như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bangladesh…, nên nhìn chung từ đầu năm đến nay giá gạo xuất khẩu và giá lúa trong nước đều cao, người dân và doanh nghiệp đều có lợi, kéo theo nhóm lương thực chế biến tăng 0,63%.

Đối với nhóm thực phẩm, chỉ số giá tăng 1,51%, nguyên nhân do nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại không tái đàn hoặc phải bỏ chuồng làm nguồn cung sụt giảm đã đẩy giá thịt lợn tăng trở lại sau một thời gian dài rớt giá. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do giá nhập nguyên liệu tăng làm cho giá thịt lợn tăng 15,86%; giá trứng các loại cũng tăng 6,06% do nguồn cung ít; giá mặt hàng thủy sản tươi sống tăng 2,24%; giá các loại đậu, hạt tăng 1,63%; giá mặt hàng quả tươi chế biến tăng 3,33% do sử dụng nhiều trong dịp lễ, tết. Tuy nhiên, do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào, đa đạng nên giá một số mặt hàng rau tươi, khô và chế biến giảm mạnh tới 12,76%.

Tác động của thị trường cũng làm cho các nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,85% so với tháng 12 năm trước, trong đó giá nhà ở thuê tăng khá cao với 8,02%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 10,75%; giá dịch vụ về nước sinh hoạt tăng 6,20%; giá dịch vụ điện sinh hoạt tăng 7,35%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,48%; giá nước sinh hoạt tăng 0,79%; giá điện sinh hoạt tăng 7,52% và giá bán điện được điều chỉnh tăng 6,08% từ ngày 1-12-2017; giá gas và các loại chất đốt khác tăng 5,72% do giá gas, giá dầu hỏa được điều chỉnh tăng liên tục theo giá xăng dầu trong nước.

Nhóm giáo dục cũng được đánh giá có chỉ số giá tăng khá với 8,29%, trong đó chủ yếu là giá dịch vụ giáo dục tăng 9,25% do giá học phí mẫu giáo trường tư, nhà trẻ tư thục tăng 11,96%; học phí phổ thông trung học trường dân lập tăng 5,97%; giá một số sách, đồ dùng – dụng cụ học tập tăng 2,16% do nhu cầu tăng vào năm học mới 2018-2019. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 5,56%, nguyên nhân do các ngày lễ, tết trong năm đều tập trung vào thời điểm 9 tháng đầu năm nên nhu cầu mặt hàng ăn uống ngoài gia đình của người dân trong những ngày này tăng, giá thuê người phục vụ tăng, giá thực phẩm tăng đã tác động đến giá mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tăng.

So với tháng 12 năm trước, nhóm giao thông tăng 6,21%; các nhóm đồ uống, thuốc lá tăng nhẹ với 0,90%, đưa chỉ số giá nhóm này tăng 0,48%, trong đó giá thuốc lá điếu tăng 1,42%, nguyên nhân do tình hình chống buôn bán và vận chuyển thuốc lá lậu tăng cao vào thời điểm cuối năm nên giá thuốc lá tại các cửa hàng bán lẻ tăng; giá các mặt hàng nước khoáng và nước có gas tăng 0,28%; rượu các loại tăng 1,03% do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,58%, chủ yếu ở các mặt hàng thiết bị gia đình, đồ dùng trong nhà do nhu cầu tiêu dùng tăng như: tủ lạnh tăng 0,35%, đồ dùng trong bếp tăng 0,8%, chất tẩy rửa tăng 1,34%, vật phẩm tiêu dùng khác tăng 1,96%; sửa chữa thiết bị gia đình tăng 2,06%.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,04%, chủ yếu do việc điều chỉnh mức lương cơ bản từ 1-7-2018 với mức tăng 90.000 đồng/hệ số và các dịch vụ phục vụ cá nhân như: nhu cầu làm đẹp; chăm sóc cá nhân của người tiêu dùng; dịch vụ về hiếu, hỷ; đồ trang sức bằng vàng đều tăng. Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 7,72%, nguyên nhân do áp dụng Thông tư số 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế qui định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh, dẫn đến giá dịch vụ y tế giảm 10,45%.

Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, do đó giá vàng 9 tháng năm 2018 giảm 2,60%; so cùng kỳ năm trước giảm 3,60%. Chỉ số giá USD tăng 3,15% so với tháng 12- 2017 và tăng 3,34% so cùng kỳ năm trước.