Tin thế giới

* UAE mở lại Đại sứ quán tại Syria sau 7 năm.

Ngày 27-12, Đại sứ quán Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã chính thức mở trở lại tại Syria sau 7 năm.

Như vậy, UAE là quốc gia đầu tiên trong Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) nối lại hoạt động ngoại giao tại Syria.

Quang cảnh Đại sứ quán Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)
ở Syria trong ngày mở cửa trở lại, tại Damascus.

Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao UAE khẳng định việc mở cửa trở lại cơ quan ngoại giao của nước này tại Syria nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và nhằm giảm thiểu những nguy cơ từ sự can thiệp khu vực đối với "các vấn đề Arab và Syria".

UAE đã đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Syria tại thời điểm các cuộc xung đột bắt đầu nổ ra tại quốc gia Trung Đông này vào năm 2011.

* Tàu cứu hộ chở hơn 300 người di cư vừa cập cảng Tây Ban Nha.

Ngày 28-12, một tàu cứu hộ chở hơn 300 người di cư, chủ yếu là người châu Phi, từ khu vực bờ biển Libya hồi tuần trước đã cập cảng phía Nam Tây Ban Nha.

Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha chịu trách nhiệm cung cấp lương thực, quần áo và thuốc men cho 311 người di cư, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đến từ 3 nước Somalia, Nigeria và Mali. Cảnh sát hiện đang tiến hành xác định danh tính của những người di cư trước khi đưa họ tới nơi tạm trú.

Tàu "Open Arms"(Những cánh tay dang rộng) được Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho phép cập cảng nước này hôm 22-12 vừa qua, sau khi bị Italy và Malta từ chối tiếp nhận. Trước đó, tổ chức cứu trợ "Proactiva Open Arms" cũng đã liên hệ với nhà chức trách Libya, Pháp và Tunisia để xin phép cho con tàu cập bến nhưng không nhận được hồi đáp.

* Quân đội Myanmar cáo buộc phiến quân vi phạm lệnh ngừng bắn.

Quân đội Myanmar đã cáo buộc phiến quân nổi dậy ngày 28-12 đã tấn công và giết hại một số binh sỹ. Đây là cuộc đụng độ đầu tiên được quân đội ghi nhận trong bối cảnh một lệnh ngừng bắn chưa có tiền lệ với các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang.

Hồi tuần trước, quân đội đã thông báo sẽ đình chỉ "mọi sự điều chuyển quân" tới vùng phức tạp phía Bắc và phía Đông trong 4 tháng, một động thái được các nhà quan sát đánh giá là chưa có tiền lệ.

Việc tạm kiềm chế cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ có thể là một phương hướng nhằm thuyết phục các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang tiến tới một tiến trình hòa bình cứng rắn, vốn đã nhiều lần bị thất bại do xung đột liên tiếp tại khu vực biên giới mất kiểm soát.

Nhưng quân đội Myanmar cho biết những binh sỹ đồn trú ở bang Shan đã bị tấn công hôm 27/12 bởi lính của Quân đội bang Shan (SSA) - còn được gọi là Hội đồng Khôi phục nhà nước bang Shan (RCSS).