Bảo tồn nấm linh chi quý, kết hợp mở hướng sinh kế mới cho người dân

Để bảo tồn nguồn gen các loại nấm linh chi quý, từ tháng 10-2016 đến nay, Vườn Quốc gia Phước Bình (VQG) (Bác Ái) đã chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh), Viện Thực phẩm chức năng triển khai Dự án “Bảo tồn nguồn gen nấm linh chi (Ganoderma) có nguồn gốc từ Vườn Quốc gia Phước Bình”.

Đến nay, việc nghiên cứu đạt những kết quả tích cực; qua đó có thể mở ra mô hình phát triển kinh tế từ cây nấm linh chi cho người dân miền núi xã Phước Bình. Kỹ sư Huỳnh Tấn Phi, thuộc Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Phước Bình cho biết, trong khuôn khổ hoạt động của dự án nhóm nghiên cứu đã khảo sát, điều tra trên toàn bộ diện tích VQG Phước Bình để thu thập các mẫu nấm linh chi, qua đó đã tiến hành giám định gen cho 12 loài để định danh và bổ sung danh lục thực vật. Qua các bước kiểm tra, đánh giá cụ thể từng loài, VQG Phước Bình đã tuyển chọn hai loài linh chi đỏ (Ganoderma Lucidum) và linh chi đen (Humphreya endertii) để tiến hành phân lập bảo tồn an toàn nguồn gen. Công tác bảo tồn nguồn gen các loại nấm linh chi này được thực hiện theo hai phương pháp: Bảo tồn chuyển chỗ tại các phòng thí nghiệm và bảo tồn tại chỗ theo mô hình bảo tồn, sản xuất trong môi trường các nhà nấm tại vườn thực vật thuộc VQG Phước Bình và trồng trong điều kiện bán tự nhiên dưới tán rừng.

Mô hình trồng nấm theo phương pháp bảo tồn tại chỗ trong nhà nấm của VQG Phước Bình.

Tại Hội nghị đầu bờ về đánh giá kết quả nuôi trồng nấm linh chi do VQG Phước Bình tổ chức vừa qua, các chỉ số nghiên cứu cho thấy, mô hình nuôi trồng 2 loại nấm linh chi đỏ và linh chi đen đã được xây dựng thành công với nhiều kết quả rất tốt. Đối với nấm linh chi đỏ có thời gian sinh trưởng cây giống đến khi thu hoạch 68 ngày, trong đó thời gian xuất hiện quả thể nấm 35 ngày sau khi cấy giống, năng suất đạt trung bình khoảng 23,95kg nấm linh chi khô/1.000 phôi nấm. Đối với nấm linh chi đen có thời gian sinh trưởng từ cây giống đến khi thu hoạch 88 ngày, thời gian xuất hiện quả thể nấm 38 ngày sau khi cấy giống, năng suất đạt trung bình 11,55kg /1.000 phôi nấm. Nếu chăm sóc tốt, cả hai loại nấm linh chi đỏ và linh chi đen có thể cho thu hoạch 3 đợt/năm. Khoảng cách giữa lứa thứ nhất và lứa thứ hai cách nhau từ 10 - 12 ngày (sau khi thu hoạch lứa thứ nhất cách 10 - 12 ngày, quả thể nấm lứa thứ hai xuất hiện).

Theo nghiên cứu của các đơn vị chức năng, nấm linh chi có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng protein chiếm 30 - 40%, giàu khoáng chất, đủ 8 acid amin thiết yếu, nhiều loại vitamin và các nguyên tố vi lượng, các hoạt chất sinh học có tác dụng làm trẻ hóa tế bào, chống béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, đặc biệt có khả năng kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Hiện nay, trên thị trường giá bán của hai loại nấm linh chi này dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng/kg nấm khô, hiệu quả kinh tế cho thấy khá lớn. Đây có thể xem một hướng phát triển kinh tế mới nếu nhân rộng ra cho người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xã Phước Bình. Bởi theo các kỹ sư của nhóm nghiên cứu, việc nuôi trồng hai loại nấm này khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp, không cần diện tích lớn, ít tốn công chăm sóc. Các hộ nghèo có thể áp dụng mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng, vườn cây ăn trái, tận dụng vật liệu sẵn có như tre, nứa làm khung đỡ giá thể nấm. Điều kiện khí hậu dưới tán rừng mát mẻ, độ ẩm duy trì ở mức cao, tính cân bằng tự nhiên môi trường rừng ít xuất hiện những bệnh do côn trùng gây ra sẽ giúp nấm sinh trưởng, phát triển tốt.

Để có cơ sở triển khai nhân rộng mô hình giúp người dân phát triển kinh tế, song song với quá trình nghiên cứu bảo tồn gen các loài nấm VQG Phước Bình cũng đang đẩy mạnh các hoạt động tập huấn cho các hộ dân sống xung quanh về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đồng thời, đơn vị cũng đã hỗ trợ kinh phí xây nhà trồng, phôi giống cho 5 hộ (500 bịch phôi nấm/hộ) trồng thử nghiệm. Hiện nay, mô hình trồng nấm linh chi của 5 hộ đều phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch đợt đầu tiên.

Theo ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc VQG Phước Bình, Chủ nhiệm Dự án “Bảo tồn nguồn gen nấm linh chi (Ganoderma) có nguồn gốc từ Vườn quốc gia Phước Bình”, đây là nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen nấm linh chi quý hiếm của tỉnh Ninh Thuận. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại nấm linh chi cho các hộ dân trong vùng. Đồng thời, sẽ phối hợp với các sở, ban ngành hỗ trợ nguồn vốn giúp người dân phát triển mô hình này, liên kết với doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản xuất, hướng đến phát triển thương hiệu sản phẩm nấm linh chi đặc sản của Phước Bình.

Nguyễn Sơn