Ngành Nông nghiệp tạo đột phá mới trong sản xuất

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, ngành chức năng, các địa phương đã tập trung triển khai hiệu quả 3 đột phá về thủy lợị, ứng dụng công nghệ cao và thu hút doanh nghiệp. Qua đó, đã tạo đột phá mới về tăng năng suất cây trồng, hình thành các vùng sản xuất tập trung với các loại cây đặc thù có giá trị kinh tế cao ở vùng nắng gió cực Nam Trung Bộ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điểm nhấn trong thực hiện Nghị quyết 09 đó là tỉnh đã tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực đầu tư nhiều công trình thủy lợi tạo nguồn nước phục sản xuất ở những vùng khô hạn. Từ năm 2016 đến nay, đã đầu tư 63 công trình hồ, đập, nâng cấp kênh cấp II, cấp III, với tổng nguồn vốn hơn 2.330 tỷ đồng. Các huyện đã lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng gần 77 km, góp phần đảm bảo tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất. Tiêu biểu như việc xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất rau an toàn tập trung xã An Hải (Ninh Phước) đã mở ra hướng làm giàu cho các hộ trồng măng tây xanh trong khu vực. Các công trình kiên cố hóa kênh mương Ma Điên xuống Bà Thủ, xã Phương Hải (Ninh Hải); gia cố, nâng cấp kênh Bà Xoài thuộc Hệ thống thủy lợi Nha Trinh… đã góp phần vào thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi cây trồng cạn.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu, huyện Ninh Phước xây dựng
vùng sản xuất bắp tập trung quy mô hàng hóa ở xã Phước Sơn và Phước Vinh. Ảnh: A.T

Nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, đã nâng diện tích đất chủ động nước từ 49,6% năm 2015 lên 53,7% hiện nay. Đáng là nói là, để nâng cao giá trị đơn vị diện tích ở những nơi chủ động nước tưới, ngành chức năng, các địa phương đã tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thông chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình sản xuất mới, đã làm thay đổi toàn diện nền nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung quy mô hàng hóa. Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND tỉnh, ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh, các huyện đã hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa mỗi vụ khoảng 6.000 ha. Đặc biệt, nhiều mô hình được đánh giá là thích hợp với điều kiện khí hậu khô hạn ở tỉnh ta như: Bao trái trên cây nho bằng túi chuyên dụng, phủ lưới vườn táo chống ruồi vàng, san phẳng đồng ruộng bằng thiết bị laser có hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng.

Sau một thời gian gắn thực hiện Nghị quyết 09, sản xuất nông nghiệp trên vùng “đất khát” đã được định hình bằng các sản phẩm đặc thù như nho, táo, măng tây xanh, có tính khác biệt, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Nhìn nhận được tiềm năng, lợi thế, cùng với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, nhiều doanh nghiệp đã đến tỉnh ta hợp tác với nông dân làm ăn lâu dài. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã mời gọi được 9 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đơn cử, Dự án đầu tư Khu sản xuất, kinh doanh tôm giống công nghệ cao tại xã An Hải (Ninh Phước) của Công ty TNHH Việt Úc-Ninh Thuận đã góp phần vào xây dưng tỉnh ta thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Những dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Công ty TNHH Nắng và Gió; sản xuất nho rượu của Công ty TNHH Ladorafarm tại Mỹ Sơn (Ninh Sơn) đi vào hoạt động đã giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm,
thu hoạch măng tây xanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Có thể nói, qua thực hiện Chương trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, các địa phương đã khắc phục những bất lợi về thời tiết để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Chuyển biến dễ nhận thấy là quy mô đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước nhanh chóng được nhân rộng, với diện tích 1.300 ha, tăng 1.225 ha so với năm 2015. Chuyển đổi cây trồng được hơn 6.000 ha; trong đó, chuyển bền vững sang cây dài ngày 1.447 ha. Hình thành 24 vùng sản xuất tập trung cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị; hàm lượng khoa học trong sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, xuất hiện thêm các mô hình, nhân tố mới.

Nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết 09 cho thấy hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều thực hiện đạt kết quả. Giá trị gia tăng 2016-2018 ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 8,3%, vượt hơn 1% so với chỉ tiêu đề ra; giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2018 đạt 115 triệu đồng, ước đến năm 2020 đạt 125,5 triệu đồng/năm, tăng 4,2 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt gần 26 triệu đồng, ước năm 2020 đạt 29 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,38 lần so với năm 2015. Nghị quyết 09 đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân. Các giải pháp đột phá đã tạo ra bước ngoặt, động lực trong phát triển nông nghiệp. Hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn được hoàn thiện, cơ bản giải quyết các vấn đề cấp bách của sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt.