Hội nghị trực tuyến khai trương cổng dịch vụ công quốc gia

Ngày 9-12 , tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Lễ Khai trương cổng dịch vụ công quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo. Tại điểm cầu tỉnh ta đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Giới thiệu về Cổng dịch vụ công quốc gia được thiết lập tại địa chỉ duy nhất www.dichvucong.gov.vn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, đây là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục. Mặt khác, Cổng dịch vụ công quốc gia cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua cơ chế công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Việc thực hiện các thủ tục này trên môi trường trực tuyến, thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ giúp tiết kiệm 4.222 tỷ đồng/năm. Theo kế hoạch, trong quý I-2020, Văn phòng Chính phủ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ...

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự Hội nghị trực tuyến
khai trương cổng dịch vụ công quốc gia tại điểm cầu tỉnh ta.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện các bộ, ngành, địa phương đã nhấn nút khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ký cam kết điện tử đồng hành xây dựng, vận hành, phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia. Đại diện doanh nghiệp và người dân ở các điểm cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Nam đã trực tiếp sử dụng các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò chủ trì của Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã chủ động, quyết liệt thực hiện; Tập đoàn Bưu chính viễn thông đã tập trung huy động nguồn lực xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia theo hình thức doanh nghiệp tự đầu tư và chia sẻ lại. Thủ tướng nhấn mạnh, công khai, minh bạch giữa người xử lý, giải quyết dịch vụ công với người được cung cấp dịch vụ công thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia không những giúp người dân, doanh nghiệp làm thủ tục nhanh hơn mà còn chống được cửa quyền, hách dịch, ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”. Việc khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia là dấu mốc quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử. Trước mắt đưa những dịch vụ được người dân, doanh nghiệp quan tâm và có tần suất giao dịch nhiều lên cổng. Các dịch vụ công tiếp theo sẽ tiếp tục thực hiện sau khi các bộ, ngành địa phương rà soát , nâng cấp bảo đảm tính chính xác, hiệu quả.

Để tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng dịch vụ công quốc gia trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan lưu ý mặc dù dịch vụ công quốc gia đã xây dựng và kết nối với các ngành, các cấp, các dịch vụ công trực tuyến nhưng việc trả kết quả vẫn phải do cơ quan bộ, ngành, địa phương thực hiện theo thẩm quyền. Tuyệt đối không để tình trạng các ngành thấy cổng dịch vụ công quốc gia rồi thì lơi lỏng dịch vụ công trực tuyến của mình, đồng thời thực hiện tốt việc hoàn thiện thể chế về bảo mật thông tin, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu nội bộ; đẩy nhanh xây dựng khung pháp lý để việc thực hiện thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả, trong tháng 1-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ trình dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử; xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự ổn định thông suốt của cổng dịch vụ công, phát triển hạ tầng thông tin, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đồng thời phải bảo đảm an ninh an toàn thông tin, an ninh mạng cho cả hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.