Thuận Bắc: Liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp

Định hướng phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ mặt hàng nông sản trên địa bàn huyện Thuận Bắc ngày càng phát huy hiệu quả; thông qua hoạt động này, góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững, tạo cơ sở cho nông dân địa phương yên tâm mở rộng diện tích canh tác, nâng cao thu nhập.

Thuận Bắc là địa phương có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế; trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp khá rộng, với hơn 8.660 ha, thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Từ tiềm năng sẵn có, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện. Theo ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện nay giá trị ngành Nông nghiệp đóng vai trò rất lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện; công tác chỉ đạo, điều hành trên lĩnh vực này luôn được huyện quan tâm, chú trọng. Ngoài tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, phục vụ tưới tiêu; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương còn xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực thông qua các cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để cho doanh nghiệp liên kết với nông dân địa phương khai thác hiệu quả thế mạnh những sản phẩm nông nghiệp tiềm năng tại địa phương.

Nông dân xã Lợi Hải chuyển đổi trồng cây đậu xanh tiết kiệm nước. Ảnh: Phan Bình

Từ mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua. Điển hình ở xã Bắc Sơn, khu vực thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước cục bộ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình canh tác của nông dân; nhằm đảm bảo thu nhập, tránh tình trạng bỏ hoang đất, hàng năm bên cạnh việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, xã chủ động tham mưu, đề xuất UBND huyện tổ chức kêu gọi doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm cho người dân đối với các diện tích chuyển đổi. Ông Mang Sản, thôn Xóm Bằng chia sẻ: Đầu năm 2019, được cán bộ xã vận động, gia đình chuyển 1,2 sào đất lúa sang trồng măng tây xanh, nhờ tuân thủ quy trình canh tác, cây phát triển tốt, mỗi ngày cho thu hoạch từ 3-4 kg, được Công ty TNHH MTX Linh Đan Ninh Thuận thu mua với giá ổn định 50 ngàn đồng/kg, nên không chỉ riêng tôi mà một số hộ tham gia trồng lân cận hết sức phấn khởi vì không phải lo lắng “đầu ra”. Anh Sầm Văn Tim, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn nhìn nhận: Thông qua hình thức liên kết đôi bên cùng có lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đi vào ổn định, nhiều diện tích canh tác kém hiệu quả được khôi phục và từng bước hình thành vùng chuyên canh rộng lớn, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào và quan trọng nhất là tránh được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”...

Đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, góp phần nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích tại huyện Thuận Bắc.

Với những hoạt động thiết thực, huyện Thuận Bắc đã thu hút một số đơn vị liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm như: Công ty Giống cây trồng Đông Nam liên kết với nông dân xã Công Hải sản xuất 140 ha lúa giống; Công ty TNHH MTX Linh Đan Ninh Thuận liên kết với các hộ ở xã Lợi Hải, Bắc Phong, Bắc Sơn sản xuất theo chuỗi giá trị, bao tiêu 13 ha cây măng tây xanh; Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang cho ứng trước vật tư, phân bón và thu mua mía của nông dân xã Phước Chiến; Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát thu mua đậu xanh, mè đen cho nông dân ở các xã Công Hải và Bắc Phong. Bên cạnh đó, hoạt động hiệu quả của 6 hợp tác xã và 100 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đóng vai trò tích cực trong việc kết nối doanh nghiệp với nông dân trên địa bàn.

Để thực hiện mục tiêu liên kết trong sản xuất bền vững trong thời gian tới, huyện Thuận Bắc tiếp tục tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật; tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi phương thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất tập trung gắn với liên kết doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ trên diện rộng. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ cho HTX cũng như các tổ hợp tác phát triển bền vững… Phấn đấu đưa ngành trồng trọt trở thành hướng sản xuất chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo ở địa phương.