NGHỊ QUYẾT 115/NQ-CP CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Bài cuối: Cần quyết tâm để vượt qua thách thức

Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ đã tạo sức bật và niềm tin cho sự phát triển của Ninh Thuận, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vấn đề vướng mắc và vẫn còn nhiều việc phải làm để phát huy cơ chế, chính sách đặc thù. Đây cũng là thách thức không nhỏ, đòi hỏi cần sự nỗ lực, quyết tâm hơn nữa của của các cấp, các ngành, địa phương.

Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Thực hiện Đề án Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và Phương án xây dựng Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná, được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung triển khai thực hiện rất quyết liệt. Tuy nhiên quá trình thực hiện chủ trương của Chính phủ về ưu tiên xây dựng đồng bộ lưới điện truyền tải, tích hợp các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia theo Nghị quyết 115/NQ-CP đang gặp nhiều khó khăn. Ông Đoàn Ngọc Vương, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết: Sự tăng trưởng nhanh chóng nguồn điện mặt trời giai đoạn vừa qua tại Ninh Thuận cho thấy, những vấn đề tồn tại như quy mô công suất đã vượt quá khả năng chịu tải của hệ thống hạ tầng kết nối liên quan hệ thống lưới điện. Do đó, Ninh Thuận muốn cụ thể hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước thì phải tranh thủ tốt thời cơ, nhất là Nghị quyết 115 về thực hiện các chính sách hỗ trợ tỉnh để sớm đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải 220kv, 500kv. Nhằm tranh thủ cơ hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn về lưới điện truyền tải, trong điều kiện EVN chưa bố trí được nguồn vốn, UBND tỉnh đã làm việc với các bộ ngành liên quan thống nhất phương án đầu tư hạ tầng đường dây 500kV Ninh Thuận theo hình thức xã hội hóa; trên cơ sở đó trình phương án để Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, kịp thời triển khai, giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn Tỉnh.

Với chính sách thu hút đầu tư, nhiều công trình năng lượng tái tạo được xây dựng trên quê hương Ninh Thuận. Ảnh: NAT

Thực hiện chủ trương về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất đối với những khu vực có chứa quặng titan. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có diện tích 4.345 ha có quặng titan, chủ yếu đang trong tình trạng đất không sử dụng, cần được điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch và đưa vào diện dự trữ quốc gia để thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên quá trình thực hiện, trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục đòi hỏi sự phối hợp, tham mưu của nhiều cấp, bộ ngành. Kết quả là sau hơn 1 năm từ thời điểm Nghị quyết 115 của Chính phủ ban hành đến nay vẫn chưa hoàn thành đề án cụ thể để phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Ông Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Về nguyện vọng của người dân địa phương trong vùng dự án này cũng như chủ đầu tư là cần sớm triển khai phương án quy hoạch cụ thể, tránh để tình trạng đất bị bỏ hoang hóa kéo dài, gây lãng phí. Đồng thời phát huy lợi thế về mức ưu tiên giá điện đến năm 2020. Qua đó tạo công ăn việc làm, phát triển KT-XH của địa phương. Do đó, trong thời gian tới cần có cơ chế chính sách vận dụng linh hoạt để triển khai nhanh, kịp thời hơn nữa.

Với chủ trương lập Đề án kiến nghị bổ sung các Khu du lịch Bình Tiên - Vĩnh Hy, Cà Ná - Mũi Dinh vào các khu du lịch quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh cũng đã triển khai lập quy hoạch theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2019, Luật Quy hoạch có hiệu lực, việc tổ chức lập quy hoạch theo quy định không còn phù hợp. Do đó, tỉnh đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để phát huy thế mạnh tiềm năng về du lịch ven biển.

Về xây dựng phương án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư phù hợp đối với vị trí trước đây quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Theo Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 115 của Chính phủ, UBND tỉnh đã giao cho UBND các huyện Thuận Nam, Ninh Hải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng phương án. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng được giao nhiệm vụ, các địa phương đều có văn bản kiến nghị rằng: việc xây dựng phương án là nội dung lớn, liên quan nhiều lĩnh vực, cấp huyện khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Do đó, tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực triển khai lập đề án cho 2 huyện. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang hoàn thiện Đề án trình các cấp thẩm quyền cho ý kiến trước khi gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

Để nghị quyết ”lan tỏa” vào cuộc sống

Qua đánh giá hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 115 của Chính phủ, bên cạnh những mặt đạt được, cũng còn gặp nhiều vướng mắc phát sinh về thể chế như: Luật Quy hoạch, chuyển đổi đất rừng, quy hoạch titan, vướng mắc về thủ tục đầu tư hạ tầng truyền tải để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, nên tiến độ thực hiện các nội dung công việc theo kế hoạch bị chậm lại, đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực hiện Nghị quyết.

Thực hiện nghị quyết 115, Ninh Thuận vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phát huy cơ chế chính sách đặc thù, nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là cốt lõi của sự phát triển bền vững. Chính vì vậy cần có đề án và lộ trình phù hợp, đẩy nhanh việc thành lập trường Đại học Ninh Thuận trên cơ sở Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cơ sở tại Ninh Thuận với Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận; có cơ chế thu hút nhân tài, nhất là con em quê hương Ninh Thuận có tâm huyết và tình yêu quê hương cùng đóng góp trí tuệ, khả năng tố chất để đưa Ninh Thuận ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó cần tranh thủ các nguồn lực đầu tư, kịp thời nghiên cứu, phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực hiện các nội dung Nghị quyết 115 như chuyển đổi sử dụng hiệu quả quỹ đất các dự án titan, đất thuộc dự án Điện hạt nhân 1 và 2, gắn với phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng đời sống của người dân vùng dự án. Sớm đầu tư cơ sở hạ tầng giải tỏa công suất điện tái tạo và quy hoạch vùng phát triển du lịch tận dụng được những thế mạnh riêng có của Ninh Thuận.

Tin rằng với tình thần quyết tâm cao, sự kiên trì, đồng bộ và thống nhất trong chỉ đạo, phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành, Ninh Thuận sẽ phát huy tốt các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung kế hoạch đề ra, để Nghị quyết 115 của Chính phủ với nhiều chính sách đặc thù, ưu đãi sớm mang lại hiệu quả và thiết thực đi vào cuộc sống của người dân, tạo đà phát triển mạnh mẽ quê hương Ninh Thuận.