Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã

Nhờ triển khai thực hiện tốt công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) nên những năm gần đây số HTX chuyển đổi mô hình mới đã phát huy năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, bước đầu hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 62 HTX nông nghiệp. Để thúc đẩy các HTX hoạt động hiệu quả, Ban Chỉ đạo KTTT, HTX tỉnh đã tập trung hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như: Quan tâm hỗ trợ HTX trong việc hoàn tất các thủ tục vay vốn theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tính đến đầu năm 2020, có 7 HTX vay vốn tại các ngân hàng thương mại, với tổng dư nợ hơn 2,8 tỷ đồng; trong đó, HTX Phước An được vay số tiền cao nhất là 1 tỷ đồng, các HTX Mông Nhuận, Bình Quý, Tầm Ngân, Châu Rế, Trường Thọ, An Xuân mỗi đơn vị được vay từ 150 đến 500 triệu đồng. Ngoài ra, thông qua nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX - Liên minh HTX Việt Nam, Quỹ hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân Việt Nam đã giải quyết cho một số HTX vay vốn sản xuất lúa, măng tây xanh theo mô hình cánh đồng lớn, với tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng. Về đất đai, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn tất việc rà soát, hướng dẫn HTX thực hiện các thủ tục chuyển đổi hình thức sử dụng đất từ giao đất không thu tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2003 sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm theo Luật Đất đai năm 2013. Chỉ tính riêng năm 2019, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 20 HTX với tổng diện tích hơn 72,8 ha, nâng tổng số HTX được thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên 26 HTX, với tổng diện tích hơn 135,8 ha.

Sản phẩm măng tây xanh chất lượng cao của HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước).

Điểm mới trong công tác hỗ trợ là năm 2019 lần đầu tiên 13 HTX được UBND tỉnh bố trí 5 tỷ đồng đầu tư 15 công trình, dự án; tuyển dụng 8 lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại 11 HTX (Tuấn Tú, Phước Hậu, Gò Đền, An Xuân, Tầm Ngân, Long Bình, Vạn Phước, Trường Thọ, Như Bình, Hậu Sanh, Ninh Quý). Những khó khăn về xây dựng kết cấu hạ tầng, nguồn lực con người được cho là nguyên nhân chính kìm hãm hoạt động của HTX được tháo gỡ đã tạo ra “luồng gió mới” thúc đẩy HTX phát triển mạnh mẽ. Nhiều HTX điển hình tiên tiến làm tốt vai trò “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng chủ lực của tỉnh, như: lúa, bắp, nho, măng tây xanh, điều hữu cơ. Trong đó, có 14 liên kết cánh đồng lớn tạo đột phá về tăng năng suất, chất lượng và khối lượng hàng hóa lớn. Tiêu biểu là mô hình thí điểm san phẳng đồng ruộng bằng tia laser do HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Ninh Quý và HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Trường Thọ triển khai ở vụ lúa đông-xuân (2018 – 2019) với diện tích 4,6 ha trên địa bàn huyện Ninh Phước đã được nhân rộng lên 28,5 ha trong vụ hè - thu 2019 trên địa bàn huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Nam. Đồng chí Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá: Mô hình san phẳng đồng ruộng bằng tia laser là điểm mới, điểm sáng trong ứng dụng những tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và HTX nói riêng.

Có thể nói, từ việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hoạt động của các HTX nông nghiệp gần đây đã khởi sắc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động HTX có hiệu quả đã thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân, cá thể; liên kết các hộ tự nguyện “dồn điền” sản xuất theo quy mô tập trung, tạo ra khối lượng hàng hòa dồi dào, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là phương pháp sản xuất bảo đảm lợi ích và xây dựng vị thế của nông dân trong bối cảnh hội nhập kinh tế nông nghiệp ngày càng sâu rộng. Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tỉnh tổ chức vào đầu tháng 2, các đại biểu nhìn nhận KTTT mà nòng cốt là HTX là thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế quốc dân, cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển. Trong đó, chú trọng hỗ trợ các HTX tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm’ (OCOP) bằng việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung ứng dụng khoa học - kỹ thuật.