Nghị quyết số 69/2016/NQ-HĐND: Động lực phát triển kinh tế biển

Thực hiện Nghị quyết số 69/2016/NQ-HĐND ngày 19-12-2016 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 69) về phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2020, trong giai đoạn 2016-2019, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó, các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của tỉnh được nhận diện đánh giá sâu kỹ và bước đầu phát huy hiệu quả.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết 69 được ban hành, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 24-2-2017 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế biển giai đoạn đến năm 2020, đề ra 24 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Kết quả trong 5 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, đến nay đã có 1 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu còn lại đạt khá và có khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra.

Ngư dân huyện Ninh Hải chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Phan Bình

Theo Sở kế hoạch và Đầu tư, việc tỉnh ban hành Nghị quyết 69 về phát triển kinh tế biển giai đoạn đến năm 2020 đã mang lại nhiều tác động tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, về khai thác hải sản đến nay năng lực đã được nâng lên; đặc biệt đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, nhờ đó số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, ngư trường đánh bắt được mở rộng, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 2.459 chiếc/459.501 CV, bình quân 186,9 CV/tàu, tăng 1,8 lần so với năm 2015, trong đó 125 tàu có công suất trên 700 CV. Hiện có trên 600 tàu tham gia khai thác vùng biển xa, tăng hơn 200 tàu so với 2016 (ngư trường đánh bắt từ vùng biển phía Đông Trường Sa đến Kiên Giang); đã hình thành 170 Tổ đoàn kết sản xuất, với 1.018 tàu cá tham gia duy trì hoạt động khai thác thường xuyên trên biển.

Đối với nuôi trồng thủy sản, chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước đến nay cơ bản đạt mục tiêu và phát huy được lợi thế; năng lực sản xuất tăng nhanh, quy mô sản xuất được mở rộng. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có trên 450 cơ sở doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản đang hoạt động, sản lượng sản xuất tôm giống năm 2019 ước đạt 34 tỷ con, bằng 94,4% mục tiêu năm 2020 (36 tỷ con giống); hàng năm cung ứng khoảng 30% nhu cầu tôm giống của cả nước.

Để từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và các khu nuôi trồng thủy hải sản đồng bộ, bảo đảm nhu cầu khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, từ năm 2016 đến tháng 9-2019, bằng nguồn vốn ngân sách của Trung ương và địa phương, tỉnh đã đầu tư 227,248 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng cảng cá Cà Ná, Bến cá Mỹ Tân, các khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Cái quy mô neo đậu 3.200 tàu cá các loại; Ninh Chữ quy mô neo đậu 1.000 tàu công suất từ 600 CV trở lên và cho phép tiếp nhận tàu vận tải đến 2.000 tấn; đồng thời, đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm tập trung Sơn Hải – Hồ Núi Một và dự án Trại thực nghiệm giống thủy sản, góp phần thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy hải sản phát triển theo hướng bền vững.

Thực hiện chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ năm 2016 đến tháng 9-2019 tỉnh ta đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 23 dự án du lịch/21.077 tỷ đồng, nâng tổng số đến cuối năm 2019 có 57 dự án lĩnh vực du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư/32.961 tỷ đồng, trong đó có 21 dự án hoàn thành đi vào hoạt động và một số dự án quy mô lớn đang xúc tiến triển khai hoặc đẩy nhanh tiến độ, góp phần tạo thương hiệu cho du lịch biển Ninh Thuận.

Khu du lịch Hang Rái (Ninh Nải) phát huy lợi thế từ biển để phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Nỷ 

Về phát triển công nghiệp ven biển, ngoài chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, tỉnh ta còn quan tâm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế, nhất là công nghiệp chế biến thủy sản, muối, rong sụn, đá granit, nước mắm xuất khẩu... Từ năm 2016 đến tháng 9-2019 đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đăng ký 2.340 tỷ đồng, đến nay có 19 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 515,2 tỷ đồng, trong đó có một số dự án quy mô lớn như: Nhà máy chế biến nước mắm CaNa 3 triệu lít/năm; Nhà máy chế biến nước mắm (Mamta) 2 triệu lít/năm; Nhà máy chế biến các sản phẩm măng tây, nha đam, chế biến muối tinh; Nhà máy chế biến đá xây dựng mỏ đá Tây Kà Rôm, công suất 169.050 m3/năm…, góp phần tăng năng lực sản xuất cho ngành Công nghiệp rất đáng kể.

Nhìn lại kết quả sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 69 cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển bình quân từ năm 2016 - 2019 tăng 14,6%/năm (mục tiêu 2016- 2020 là 15-16%/năm). Tỷ trọng giá trị gia tăng từ kinh tế biển trong tổng sản phẩm nội tỉnh đến năm 2019 chiếm 32,3% (mục tiêu đến năm 2020 là 38-40%). Tổng giá trị sản xuất, dịch vụ kinh tế biển năm 2019 ước đạt 14.732 tỷ đồng (mục tiêu đến năm 2020 là 17.000 – 17.500 tỷ đồng), trong đó: Thủy sản chiếm 44,2% (mục tiêu 34-35%); Công nghiệp ven biển 46,8% (mục tiêu 55-56%) và Du lịch biển 9,1% (mục tiêu 9-10%). Giá trị kim ngạch xuất khẩu của các ngành kinh tế biển năm 2019 ước đạt 37,4 triệu USD và bằng 37,4% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (mục tiêu đến năm 2020 chiếm 46-47%). Tổng vốn đầu tư cho các ngành kinh tế biển 4 năm 2016 - 2019 ước đạt 36.850 tỷ đồng (mục tiêu 2016-2020 là 19.000 - 20.000 tỷ đồng), trong đó vốn ngân sách nhà nước và ODA 6.673 tỷ đồng, chiếm 18% và vượt 1,3 lần so mục tiêu Nghị quyết (5.000 – 5.500 tỷ đồng). Kết quả trên đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, minh chứng cụ thể là trong hai năm 2018 và 2019 tỉnh ta liên tiếp hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà UBND tỉnh đã đề ra.