Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020

Ngày 15-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Tại điểm cầu tỉnh ta, dự hội nghị có đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường. Tại Việt Nam, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước, với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3; 8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới; ngoài ra còn có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long… Thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã được giảm thiểu tối đa. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng, đã giảm nhiều so với thiệt do thiên tai gây ra năm 2018 (ước tính gần 20.000 tỷ đồng).

Các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;
Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường; trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến hết tháng 4-2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ở mức báo động 1-2, trên các sông suối nhỏ có thể ở mức báo động 3, lũ sông Cửu Long muộn và ở mức báo động1-báo động 2. Tình hình khô hạn, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong năm 2020, dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp và khó lường, nhất là các loại thiên tai như dông lốc, lũ quét, sạt lở, hạn hán… do đó để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả của thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Thủ tướng để nghị từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải có kịch bản phòng, chống, ứng phó với từng tình huống thiên tai, bão lũ cụ thể; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và cách thức phòng chống thiên tai cho người dân và đơn vị để giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại khi có thiên tai xảy ra; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tập trung đầu tư cho các công trình đê, kè, cống, nhất là những công trình thủy lợi trọng tâm, trọng yếu; các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, cung cấp kịp thời các số liệu và tăng cường năng lực dự báo bảo đảm sát tình hình, kịp thời.