Triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược Dân số đến năm 2030

Ngày 22-11-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Cùng với cả nước, ngành Dân số - KHHGĐ tỉnh ta tập trung đề ra những giải pháp thực hiện hiệu quả chiến lược dân số đến năm 2030.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác dân số tỉnh ta đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hàng năm, tỉnh đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Dân -KHHGĐ, khống chế được tốc độ gia tăng dân số.  Đặc biệt mức sinh trên địa bàn tỉnh giảm mạnh từ 2,28 con/phụ nữ (năm 2016) xuống còn 2,09 con/phụ nữ (năm 2019) ước còn 2,08 con vào cuối năm 2020. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được khám sàng lọc trước sinh đạt 2,04% (năm 2015) tăng lên 30,8% (năm 2019); tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sau sinh đạt 3,8% (năm 2015) tăng lên 60,3% (năm 2019). Nhận thức và hành động của toàn xã hội về Dân số- KHHGĐ đã được nâng lên rõ rệt. Dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tiếp cận gần hơn và có chất lượng đến đông đảo người dân, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Các hoạt động nâng cao chất lượng dân số bước đầu đã có những bước chuyển biến và lan tỏa trong cộng đồng. Bên cạnh những thuận lợi, công tác dân số của tỉnh vẫn tồn tại nhiều khó khăn như: chất lượng dân số vẫn còn thấp, tuổi thọ trung bình đạt 73 tuổi (thấp hơn toàn quốc 0,6 năm); công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa được quan tâm đúng mức...

CTV dân số xã Phương Hải (Ninh Hải) tuyên truyền trực tiếp cho người dân về Nghị quyết 21.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của chiến lược dân số đến năm 2030 đòi hỏi sự thống nhất từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Dân số-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Theo đó, mỗi đơn vị liên quan từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới và đa dạng công tác truyền thông, vận động về dân số theo định hướng dân số và phát triển. Đẩy mạnh và tăng cường các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái, phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, vận động thanh niên tự nguyện khám sức khoẻ trước khi kết hôn, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống. Thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; phát triển mạng lưới chăm sóc người cao tuổi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng, nhân rộng mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Tiếp tục phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo hướng mở rộng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của từng nhóm đối tượng...

Đồng chí Phạm Thị Cẩm Vân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược dân số đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh ta ban hành Kế hoạch số 1524 /KH- UBND ngày 29-4-2020 về thực hiện Chiến lược dân số đến năm 2030 tại địa phương, cùng với việc tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 94-KH/TU ngày 21-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Bên cạnh đó, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công tác dân số, đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của chiến lược và các chính sách dân số và phát triển của tỉnh.