Hiệu quả Dự án hỗ trợ chuyển đổi cây trồng ở vùng đồng bào Raglai thôn Xóm Bằng

Dự án hỗ trợ chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2019-2020 được huyện Thuận Bắc triển khai tại thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, đến nay đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người dân hưởng lợi.

Xóm Bằng là thôn đặc biệt khó khăn, trên 95% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, có hơn 2.700 ha đất lâm nghiệp chủ yếu thuộc sườn đồi, triền dốc, diện tích canh tác chỉ chiếm khoảng 200 ha. Tuy nhiên, thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình hình nắng hạn, khiến hoạt động sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu của dự án nhằm hướng đến tổ chức sản xuất ổn định tại cánh đồng Cây Sung rộng 150 ha thuộc vùng tưới Trạm bơm Xóm Bằng. Để phát huy hiệu quả dự án, đồng thời tạo sự đồng thuận cao của người dân, các phòng, ban, đoàn thể từ huyện đến xã nâng cao vai trò phối hợp, xây dựng đồng bộ giải pháp, lộ trình thực hiện. Theo đó, ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huyện còn linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ các hộ chuyển đổi cây trồng, đảm bảo kế hoạch đề ra.

Dự án hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, khắc phục hiệu quả tình trạng bỏ hoang đất, tạo thu nhập ổn định cho bà con Raglai thôn Xóm Bằng.

Thời gian đầu thực hiện dự án, địa phương vận động 30 nông hộ triển khai thí điểm 3 mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang trồng măng tây xanh, ớt và dưa hấu trên diện tích gần 9 ha, được hỗ trợ 70% giống, phân bón, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật. Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, kết quả bước đầu đạt khá tốt, thu nhập của bà con được nâng lên. Ông Mang Bằng, một trong những hộ tham gia dự án, chia sẻ: Mặc dù đất sản xuất nằm trong khu vực trạm bơm, nhưng do hạn hán kéo dài nên nguồn nước thiếu, việc trồng trồng lúa của bà con không thuận lợi, đầu năm 2019, gia đình mình được cán bộ xã vận động chuyển 1 sào lúa sang trồng măng tây xanh, sau hơn 6 tháng trồng, nhờ tuân thủ quy trình canh tác, cây phát triển tốt, mỗi ngày cho thu hoạch từ 4-5 kg, giá thu mua 50 ngàn đồng/kg, thu lãi trên 200 ngàn/ngày.

Qua đánh giá hiệu quả mỗi vụ thu hoạch từ mô hình chuyển đổi, kế hoạch của xã phấn đấu từ nay đến cuối năm tiếp tục khuyến khích, vận động người dân mở rộng diện tích măng tây xanh, ớt, dưa hấu lên 32 ha. Ngoài ra, đối với vùng trũng, gò cao, từ nguồn vốn phân bổ theo Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND, ngày 2-2-2015 của UBND tỉnh về việc nhân rộng các mô hình sản xuất gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 65/2017-UBND, ngày 18-8-2017 của UBND tỉnh, huyện hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để các hộ phát triển một số cây trồng ở khu vực trạm bơm như: cỏ chăn nuôi 33 ha, mãng cầu dai 10 ha và rau đậu các loại, đến nay đều khẳng định được giá trị kinh tế và được nông dân đón nhận, từng bước mở rộng sản xuất đại trà.

Song song đó, để giúp người dân yên tâm sản xuất, dự án còn chú trọng tới vai trò liên kết với doanh nghiệp; trong đó, Công ty TNHH MTX Linh Đan Ninh Thuận và Hợp tác xã Thương mại-Dịch vụ-Nông nghiệp Bắc Sơn là 2 đơn vị được lựa chọn thực hiện quy trình tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm tại khu vực chuyển đổi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cử cán bộ khuyến nông đồng hành với bà con trong quá trình trồng và chăm sóc đến khi thu hoạch.

Anh Sầm Văn Tim, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, nhìn nhận: Thông qua thực hiện dự án, đã tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân, nhiều giống cây trồng có chất lượng tốt, năng suất cao được trồng trên đất lúa thiếu nước, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch rõ nét. Sau khi kết thúc dự án, địa phương tiếp tục bám sát kế hoạch, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài duy trì sản xuất ổn định tại vùng dự án, xã tập trung rà soát, lựa chọn cây trồng phù hợp mở rộng phạm vi chuyển đổi ra các thôn khác; đồng thời, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các phương thức sản xuất mới, giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.