Tăng cường công tác ứng phó, giảm thiểu tác động của thiên tai cho trẻ em

Dự án Giảm nhẹ rủi ro và tăng cường khả năng chống chịu thiên tai, lấy trẻ em làm trung tâm tại tỉnh Ninh Thuận thuộc chương trình hợp tác quốc gia giữa Chính phủ Việt Nam và UNICEF, giai đoạn 2017-2021. Dự án từ khi đi vào hoạt động, bước đầu đạt được những kết quả tích cực; góp phần nâng cao khả năng ứng phó và xử lý kịp thời của trẻ em trước nguy cơ thiên tai.

Do đặc điểm về địa hình và khí hậu đặc thù, tỉnh ta là một trong những địa phương chịu tác động thường xuyên của nhiều loại hình thiên tai; đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương từ hậu quả của thiên tai gây ra. Với mục tiêu bảo vệ và hạn chế thấp nhất trước tác động của thiên tai đối với trẻ em; ngoài sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ phía UNICEF, việc lồng ghép nội dung về bảo vệ trẻ em trước thiên tai và biến đổi khí hậu đã được UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương chủ động đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) thực hiện hàng năm. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nằm trong khuôn khổ của dự án, có 34 chỉ tiêu liên quan đến sự phát triển của trẻ em như: tỷ lệ suy dinh dưỡng, tình hình sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn… được đưa vào kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và các sở, ban, ngành; trong đó, có 10 chỉ tiêu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (GNRRTT) cho trẻ em.

Người dân thôn Suối Le, xã Phước Kháng (Thuận Bắc) đã có nước sinh hoạt hợp vệ sinh để dùng.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các ngành chức năng, địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, phòng, chống thiên tai (PCTT) cho trẻ em; đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và quy hoạch các khu dân cư ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Điển hình như ngành Giáo dục và Đào tạo có đông đảo đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, chiếm gần 2/3 dân số toàn tỉnh, đây là những đối tượng trực tiếp chịu tác động khi có thiên tai xảy ra. Trong thời gian từ năm 2017 đến nay, ngành đã tích cực triển khai các nhiệm vụ và giải pháp về PCTT, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài của hệ thống toàn ngành. Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai xây dựng mô hình “Cộng đồng an toàn lấy trường học làm trung tâm”; theo đó, ngoài huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất trường học an toàn, việc tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, kỹ năng ứng phó thiên tai cho học sinh ở các trường luôn được quan tâm đúng mức thông qua lồng ghép vào những môn học và hoạt động giáo dục ngoài trời. Đến nay, đã hình thành 3 mô hình trường học an toàn tại các xã Phước Trung (Bác Ái), xã Phước Kháng (Thuận Bắc) và xã Phước Dinh (Thuận Nam); 100% cơ sở giáo dục đều đưa nội dung GNRRTT vào kế hoạch thực hiện hàng năm; nhiều công trình trường học từng bước được xây dựng kiên cố đạt chuẩn quốc gia, không chỉ tạo môi trường học tập thân thiện mà còn là nơi bảo vệ học sinh khi xảy ra thiên tai. Đặc biệt, ngành còn phối hợp với Tổng cục PCTT tổ chức định kỳ chương trình “Trường học của Sơn Tinh”. Đây là hoạt động bổ ích và mang tính giáo dục cao, có ý nghĩa thiết thực giúp cho học sinh ý thức được tác động tiêu cực của thiên tai và có những hành động ứng phó hiệu quả.

Trang bị kiến thức kỹ năng cho trẻ em trước diễn biến thiên tai không chỉ tập trung trên lĩnh vực giáo dục mà còn có sự quan tâm từ nhiều phía, các đơn vị tham gia xây dựng kế hoạch lồng ghép liên quan về GNRRTT đều xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, triển khai kịch bản và có những tình huống xử lý cụ thể. Theo đồng chí Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất phát từ tình hình thực tiễn, diễn biến các loại hình thiên tai xảy ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh, Sở đã tập trung thiết lập, quản lý thông tin, các chỉ số về trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, từ đó đưa ra dự báo, cảnh báo, nhằm ứng phó kịp thời với tình trạng khẩn cấp. Xây dựng hệ thống tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội; nghiên cứu khảo sát thử nghiệm mô hình cộng đồng an toàn trước thiên tai, lấy trường học làm trung tâm theo mô hình Bokomi của Nhật Bản; thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn tại 3 xã thuộc huyện Bác Ái và Thuận Bắc. Bên cạnh đó, thông qua sự hỗ trợ của UNICEF, đơn vị đã cấp phát 400 bồn chứa nước cho các hộ dân vùng hạn hán…

Nhìn chung, từ việc lồng ghép một số chỉ tiêu về trẻ em và GNRRTT vào kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và các sở, ban, ngành cơ bản đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ các điểm nguy cơ xảy ra thiên tai có biển báo về đuối nước, sạt lỡ đất đến nay đạt 75%; hộ gia đình nông thôn có trẻ em được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong và sau thiên tai đạt 93,5%; số trường học được kiên cố, có khả năng chống chịu và giảm nhẹ các tác động thiên tai tăng lên 113 trường; tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là trường hợp bị đuối nước giảm đi đáng kể. Trong định hướng lồng ghép các nội dung về trẻ em và GNRRTT vào kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2021-2025, theo đó, sẽ có 16 chỉ tiêu tập trung trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, phát thanh truyền hình, nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục xác định rõ vấn đề ưu tiên, thực hiện hài hòa giữa phát triển KT-XH gắn với sự an toàn của trẻ em và cộng đồng trước thiên tai.

Có thể nói, trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của thiên tai, việc chủ động xây dựng kế hoạch hành động hàng năm và dài hạn để phòng tránh và GNRRTT cho người dân, nhất là trẻ em là việc làm hết sức cần thiết; góp phần tạo môi trường an toàn, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em trong tương lai.