Theo dòng thời sự:

“Vi-rút” nợ công có nguy cơ biến thể

Tạm lắng trong những tháng đầu năm 2011, bệnh nợ công đã tái bùng phát ở Khu vực đồng ơrô với những dấu hiệu nguy hiểm hơn: Bồ Đào Nha ngày 6/4 vừa phải xin cứu trợ vỡ nợ từ Liên minh châu Âu (EU) gã khổng lồ kinh tế thứ tư trong khu vực là Tây Ban Nha cũng “hắt hơi, sổ mũi” Hy Lạp có nguy cơ phải cơ cấu lại nợ công dù đã được EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ tài chính.

Khác với trường hợp của Hy Lạp và Ailen, gói cứu trợ trị giá 80 tỷ ơrô (116 tỷ USD) dành cho Bồ Đào Nha đã được EU và IMF thông qua nhanh chóng. Một phần do yêu cầu ngăn chặn bệnh nợ công lan rộng rất cấp bách, phần chính do EU đã có sẵn Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), được thiết lập tháng 5/2010 sau khi Hy Lạp tuyên bố vỡ nợ công, làm cơ sở pháp lý để triển khai các gói cứu trợ. Tuy nhiên, các bên tham gia kế hoạch cứu trợ thứ ba trong khuôn khổ EFSF, sau các gói cứu trợ dành cho Hy Lạp và Ai-len, đang phải gỡ “mối bòng bong” để xúc tiến kế hoạch tưởng chừng dễ thực hiện này.

Một mặt, họ phải chạy đua với thời gian để đi đến thỏa thuận cứu trợ Bồ Đào Nha trước trung tuần tháng 6 tới, nếu không nước này sẽ rơi vào vòng xoáy vỡ nợ công với khoản nợ gần 5 tỷ ơ-rô đáo hạn, trong bối cảnh Lixbon đã rỗng túi và các quy định của EU không cho phép Bồ Đào Nha được hưởng bất kỳ khoản vay bắc cầu nào từ tổ chức này. Mặt khác, họ phải vượt qua chướng ngại là sự phản đối của phe đối lập ở Bồ Đào Nha đối với mọi thỏa thuận cứu trợ kèm theo điều kiện cắt giảm chi tiêu nhà nước. Chưa kể tác động của cuộc bầu cử quốc hội vừa qua ở Phần Lan, một thành viên Khu vực đồng tiền chung. Việc đảng “Người Phần Lan đích thực” có quan điểm hoài nghi đồng ơrô ở Phần Lan tuyên bố sẽ phong tỏa kế hoạch cứu trợ Bồ Đào Nha nếu họ tham gia chính phủ mới, cho thấy Henxinhki có thể sẽ “gây khó dễ” cho kế hoạch này. Các chính khách châu Âu không thể phớt lờ tín hiệu tiêu cực từ Phần Lan vì bất kỳ gói cứu trợ nào cũng cần nhận được sự đồng thuận của 17 nước thành viên Khu vực đồng ơrô, và một kế hoạch cứu trợ không có sự tham gia của Phần Lan đồng nghĩa Khu vực đồng ơ-rô phá vỡ cam kết “làm mọi việc để bảo vệ đồng tiền chung châu Âu”, đồng thời có thể gây hoảng loạn trên các thị trường tài chính. Tình trạng “ngã bệnh” của Bồ Đào Nha được giới phân tích đánh giá không nguy hiểm bằng triệu chứng “hắt hơi, sổ mũi” của Tây Ban Nha, vì “xứ sở bò tót” có qui mô kinh tế lớn hơn nhiều. Nợ công của nước này mới chỉ vượt ngưỡng an toàn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của EU, song con số 639 tỷ ơrô là mức nợ công cao nhất mà Ma-đrít phải gánh chịu trong 11 năm qua. Quốc gia này cũng đang đau đầu với nỗi lo nợ tư nhân từ các khoản vay của công ty và hộ gia đình, hiện lên đến 170% GDP và nợ xấu tại các ngân hàng tăng hơn 6,1%, lên 110,7 tỷ ơrô trong tháng đầu năm nay, cao nhất trong 16 năm qua. Nếu Tây Ban Nha nhiễm virút nợ công, tiền cứu trợ dành cho Ma-đrít sẽ lớn hơn tổng số tiền cứu trợ Hy Lạp, Ai-len và Bồ Đào Nha gộp lại và sẽ vượt ngưỡng giải ngân của các quỹ cứu trợ hiện có của EU.

“Tiến thoái lưỡng nan” là thành ngữ có thể dùng để miêu tả tình hình nợ công ở Hy Lạp hiện nay. Quốc gia Nam Âu này đang “gánh” khoản nợ 325 tỷ ơrô, gần gấp đôi mức mà hầu hết các nhà phân tích nhận định là “có thể kham được” đối với A-ten và lớn hơn nhiều so với khoản nợ của Áchentina khi Bu-ê-nốt

Ai-rết tuyên bố phá sản năm 2001. Nhiều nhà phân tích gợi ý Hy Lạp cơ cấu lại một nửa số nợ hiện nay, tập trung vào các chủ nợ tư nhân để khôi phục kinh tế trong vòng 15-20 năm tới. Tuy nhiên, giải pháp này khó khả thi vì EU đã cam kết không thanh toán cho bất kỳ chủ nợ tư nhân nào trước năm 2013. Trong bối cảnh kinh tế Khu vực đồng ơ-rô còn mong manh, quyết định như vậy sẽ tạo “hiệu ứng đô-mi-nô” cơ cấu lại nợ công với các con bài tiếp theo là Hy Lạp và Ailen, đồng thời đe dọa cán cân thanh toán của các ngân hàng trong khu vực.

Dù có thể giúp Hy Lạp nới lỏng “thòng lọng” nợ công và chấm dứt nhanh các biện pháp khắc khổ không được lòng dân, giải pháp cơ cấu lại nợ sẽ khiến A-ten phải trả giá đắt là khó có khả năng vay vốn trên thị trường trong tương lai, và giáng “đòn chí tử” vào những ngân hàng đang nắm một lượng lớn trái phiếu chính phủ của Hy Lạp. Quyết định này cũng sẽ tạo ra một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách EU vốn đang phải sử dụng những biện pháp tốn kém để duy trì sự thống nhất trong Khu vực đồng ơrô. Thương lượng để lùi thời gian thanh toán cho các chủ nợ chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, quyết định này giống như “muối bỏ bể” trước “núi nợ” khổng lồ của Hy Lạp.

EU, IMF và Bồ Đào Nha đang đàm phán về các điều kiện mà Lixbon phải thực hiện để giải ngân kịp thời gói cứu trợ giúp nước này thoát khỏi vòng xoáy nợ công. Tây Ban Nha vẫn đang gồng mình để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên. Dù khẳng định cơ cấu lại nợ là giải pháp “không cần thiết” và “không mong muốn” đối với Hy Lạp, song Ngân hàng Trung ương nước này thừa nhận “cỗ máy thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp đã rệu rã, cần được tái khởi động với công suất mạnh”. Không ít nhà kinh tế dự báo Hy Lạp sẽ phải cơ cấu lại nợ công trước mùa Hè này.

Những động thái trên có thể coi là các dấu hiệu cho thấy “virút nợ công” ở Khu vực đồng ơrô đang có nguy cơ biến thể, cần những “liều vắcxin” mới hữu hiệu hơn.

(Theo TTXVN)