Đột phá trong thu hút đầu tư

Sau ngày tái lập tỉnh (4-1992), để có nguồn lực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tỉnh đặc biệt chú trọng huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN trong nước và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong đó xác định nguồn vốn đầu tư từ ngân sách làm vai trò “vốn mồi” để thúc đẩy, thu hút đầu tư, đồng thời xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Ninh Thuận phát triển. Từ đó, chủ trương thu hút, mời gọi các nhà đầu tư được quan tâm chỉ đạo triển khai và đổi mới, cải cách qua từng giai đoạn.

Trong những năm gần đây, tỉnh coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, giải quyết ngay các khó khăn cho DN đang đầu tư tại tỉnh, đồng thời chủ động mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, có uy tín, có thương hiệu đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế. Thực hiện chủ trương trên, trong những năm qua tỉnh đã tổ chức thành công nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh, để lại ấn tượng tốt đẹp, tạo làn sóng đầu tư mới, động lực mới cho sự phát triển; sau hội nghị kịp thời chỉ đạo xúc tiến triển khai thực hiện tốt nhất các giấy phép hoặc cam kết đã ký. Kết quả huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 30 năm đạt khoảng 169.089 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư các thành phần kinh tế và dân cư 128.089 tỷ đồng, chiếm trên 76,2% tổng vốn; cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm mạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, năm 1992 chiếm 52,8%, đến năm 2021 chỉ còn chiếm 8,6%. Nhiều dự án có quy mô lớn được tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào hoạt động góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đóng góp tích cực cho tăng trưởng.

Công tác vận động thu hút các dự án có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) luôn được Tỉnh ủy, UBND Tỉnh quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là giai đoạn 2011 đến nay tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các đối tác và các cơ quan Trung ương, chủ động hơn trong tiếp cận với nhà tài trợ, vận động các nguồn vốn ODA, viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO). Đến nay, tổng vốn ODA đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh khoảng 264,19 triệu USD, trong đó vốn ODA do tỉnh làm chủ quản là 232,16 triệu USD. Các nguồn vốn ODA, NGO đã góp phần quan trọng bổ sung vào nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, nhất là dân cư vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa.

Điện gió Trung Nam - Phước Hữu (Ninh Phước). Ảnh: N.A.T

Tỉnh đặc biệt quan tâm công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; công khai những chủ trương lớn về thu hút đầu tư như: Việc thu hút đầu tư phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn, thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các tập đoàn kinh tế lớn, có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; ưu tiên thu hút một số ngành có lợi thế của tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2010 tỉnh thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong xúc tiến và hỗ trợ đầu tư. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh luôn được các DN đánh giá cao, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng tăng, năm 2020 xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2006.

Phát triển DN trong nước là một trong những nhân tố quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhất là DN nhỏ và vừa. Theo từng thời kỳ, tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để hỗ trợ DN như giải pháp hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và vừa; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến DN và nhà đầu tư; duy trì bộ phận một cửa, một cửa liên thông ở các sở, ngành, địa phương; vận hành Cổng thông tin đối thoại DN - chính quyền để kịp thời giải đáp các kiến nghị của DN; định kỳ tổ chức đối thoại với các DN. Nhờ đó, hoạt động của các DN khởi sắc và phát triển, đóng góp quan trọng nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH của tỉnh. Sau 30 năm tái lập tỉnh, số DN trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Nếu như năm 1992 tỉnh có 3 DN, vốn đăng ký hơn 9 tỷ đồng, đến nay đã có 3.828 DN với số vốn đăng ký trên 78 nghìn tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 20,3 tỷ đồng/DN, trong đó hình thành một số DN có quy mô vốn trên 1.000 tỷ đồng có thương hiệu, năng lực cạnh tranh trong nước và khu vực như: Tập đoàn Trung Nam, Công ty Cổ phần Xuân thiện Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Điện mặt trời CMX Resunseap Việt Nam...

DN nhà nước đã được tái cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện cổ phần hóa theo đúng lộ trình và kế hoạch. Tổng số DN nhà nước đã chuyển đổi thành công ty cổ phần là 23 DN; chuyển đổi 4 DN 100% vốn nhà nước thành Công ty TNHH một thành viên; bán 1 DN; giải thể 1 DN. Các DN nhà nước sau khi cơ cấu lại đã hoạt động hiệu quả hơn, trình độ quản lý và kỹ năng kinh doanh của DN có nhiều chuyển biến tích cực, dần thích nghi với cơ chế thị trường, kinh doanh có lãi, nộp ngân sách tăng, thu nhập người lao động tăng và có việc làm ổn định hơn.

Phát huy những kết quả đạt được trong 30 năm qua, giai đoạn từ nay đến 2030, tỉnh chỉ đạo tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu về KT-XH theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông đa mục tiêu, có tính kết nối cao. Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển, nhất là các ngành, lĩnh vực, vùng động lực; trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, thủy lợi, đô thị, khu cụm công nghiệp, truyền tải điện, thông tin số, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.