Nông nghiệp - “trụ đỡ” thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Nông nghiệp đã chủ động xây dựng kịch bản thực hiện “mục tiêu kép”, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức triển khai sản xuất một cách linh hoạt, vừa xây dựng các mô hình mới nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trong khó khăn của dịch bệnh, kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân 2021-2022 vẫn được triển khai đảm bảo diện tích, thời vụ. Khắp các địa phương trong tỉnh, kể cả những nơi khó khăn về nước tưới như ở các xã: Phước Ninh, Phước Nam (Thuận Nam) diện tích gieo trồng cũng vượt kế hoạch. Cùng với đó, nông dân đã khai thác triệt để lợi thế của từng vùng đất để phát triển sản xuất. Nhiều nơi lần đầu triển khai xây dựng mô hình cánh đồng lớn được ngành chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ giống, vật tư, tạo niềm phấn khởi cho nông dân hăng say lao động, đảm bảo đúng khung thời vụ, kế hoạch diện tích...

Đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, cho biết: Xác định vụ đông - xuân 2021-2022 là vụ sản xuất chính trong năm, nên từ đầu vụ huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các xã hỗ trợ bà con xuống giống hết diện tích 2.010 ha lúa. Đến nay, đã thu hoạch xong, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Huyện cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con xây dựng mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp bằng phương pháp ủ chua, nhằm tạo nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc, xem đó là giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững khi vụ hè - thu 2022 phải ngừng sản xuất 1.000 ha lúa do thiếu nước tưới.

Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch vụ lúa đông - xuân năm 2022. Ảnh: Tiến Mạnh

Vụ đông - xuân 2021-2022 đánh dấu khởi đầu thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12-10-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, các địa phương phát động phong trào xây dựng cánh đồng lớn, nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ. Toàn tỉnh triển khai 31 cánh đồng lớn, với tổng diện tích hơn 4.241 ha, một số nơi dồn thửa hình thành những cánh đồng lớn có diện tích từ 60 ha trở lên. Huyện Ninh Phước, Thuận Bắc còn tiên phong xây dựng các mô hình sản xuất măng tây xanh, nha đam theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao...

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất vụ đông - xuân thắng lợi toàn diện. Diện tích thu hoạch đạt hơn 31.000 ha, tăng 1,5% so cùng kỳ, vượt 0,2% kế hoạch; trong đó, lúa 17.875,6 ha; bắp 2.765,3 ha, mỳ 4.233 ha, diện tích còn lại là rau, đậu, cây hàng năm khác. Tình hình chăn nuôi cũng ổn định, tổng đàn gia súc đạt 481.892 con, vượt 14,7% kế hoạch; tổng đàn gia cầm 2.247 nghìn con, tăng 10,1% so cùng kỳ; sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng đạt 12.793,8 tấn, tăng 10,7% so cùng kỳ. Công tác nuôi trồng, sản xuất giống thủy sản phục hồi tích cực, sản lượng tôm giống đạt 15,2 tỷ con, tăng 6,3% so cùng kỳ, giống thủy sản khác 120 triệu con, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ. Mặc dù tình hình thời tiết không thuận lợi, trong tháng 4 xuất hiện gió Đông - Bắc, biển động, số lượng tàu tham gia khai thác giảm, nhưng nhờ tổ chức đánh bắt hợp lý, nên sản lượng khai thác hải sản 4 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 29.813 tấn, tăng 1,8% so cùng kỳ năm trước.

Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) chăm sóc nho. Ảnh: Văn Miên

Nhìn lại sản xuất nông nghiệp có thể thấy, tín hiệu đáng mừng là giá các mặt hàng nông sản như: Lúa, nho, táo, hành, tỏi... tăng trở lại nhờ vào tình hình dịch COVID-19 hiện nay cơ bản khống chế được, hoạt động vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ được thông suốt, chỉ riêng khai thác hải sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, có đến 60% tàu cá không ra khơi. Bù đắp cho sụt giảm về khai thác để ngành Thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng là nghề nuôi biển có nhiều điểm sáng. Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Mô hình nuôi ốc hương trong ao đất được bà con nhân rộng lên 100 ha là bước phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nhiều hộ đang thu hoạch ốc hương xuất bán với giá 250.000 - 300.000 đồng/kg, thu lãi cao. Sở đang tiếp tục vận động bà con cải tạo các ao nuôi tôm kém hiệu quả chuyển sang nuôi ốc hương để khai thác triệt để lợi thế phát triển kinh tế biển, diện tích nuôi do đó sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Bắt đầu từ quý II-2022 trở đi, tỉnh thực hiện mục tiêu đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi nhanh kinh tế- xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần tăng tốc thực hiện với tinh thần quyết tâm cao, tỉnh xác định ngành Nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ”, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà tăng trưởng bứt phá, vững chắc. Theo báo cáo của UBND tỉnh, riêng trong quý I-2022, tổng giá trị sản xuất các ngành ước đạt 9.620 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 2.136 tỷ đồng. Để nông nghiệp tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng chung, tỉnh chỉ đạo tập trung đẩy mạnh sản xuất vụ hè - thu, chú trọng nhân rộng các mô hình hiệu quả. Triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản gắn với kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ theo quy định.