Tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực triển khai công tác bảo đảm thực hiện quyền trẻ em (TE), nhất là công tác bảo vệ TE, phòng, chống bạo lực, xâm hại TE.

Tuy nhiên, các vụ bạo lực, xâm hại TE trên cả nước nói chung, đặc biệt là TE nhỏ tuổi có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tại tỉnh ta, trong thời gian gần đây vẫn còn xảy ra các vụ xâm hại tình dục TE ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng lớn đến tâm, sinh lý của TE, vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ TE, gây bức xúc trong dư luận.

Để tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại TE, giảm thiểu TE bị tổn hại do bạo lực, xâm hại (đặc biệt là xâm hại tình dục), đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của TE; đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công điện số 03/CĐ-LĐTBXH ngày 17-8-2022 về tăng cường công tác, chống bạo lực, xâm hại TE. Mới đây, UBND tỉnh đã có Công văn yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống bạo lực, xâm hại TE.

Theo đó, tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại TE; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 7-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì TE giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại TE giai đoạn 2020-2025 và các văn bản chỉ đạo có liên quan của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác bảo vệ TE; phòng, chống bạo lực, xâm hại TE.

Các gia đình quan tâm bảo vệ, chăm sóc và tạo môi trường vui chơi cho trẻ em. Ảnh: Văn Nỷ

Cùng với đó, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ TE theo ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) của Luật TE năm 2016. Chủ động xây dựng các giải pháp tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại TE lồng ghép vào công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động TE tại địa phương để góp phần ngăn chặn TE rơi vào môi trường, hoàn cảnh có yếu tố bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Nâng cao trách nhiệm phối hợp liên ngành của Ban Chỉ đạo Bảo vệ TE cấp huyện và nhóm thường trực bảo vệ TE cấp xã trong việc tham gia nắm bắt tình hình về TE có hoàn cảnh đặc biệt và TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp TE có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là TE sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong người dân, cơ sở giáo dục, nhà trường đề cao trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ tính mạng, thân thể, sức khỏe, bí mật đời sống riêng tư của TE; nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ TE; phòng, chống bạo lực, xâm hại TE, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn cho người dân trong cộng đồng trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại TE, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ TE.

Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật về TE. Đồng thời phải đảm bảo 100% tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại TE được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, khách quan, xử lý nghiêm theo quy định, tuyệt đối không để kéo dài, gây phức tạp về an ninh trật tự. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác thực hiện quyền TE và chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại TE trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương điều tra xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại TE theo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không thông báo, tố giác các vụ việc có hành vi bạo lực, xâm hại TE hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại TE.

Phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền, quảng bá Tổng đài quốc gia bảo vệ TE 111 và đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ TE của tỉnh (18008079). Chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chủ động phối hợp, sẵn sàng kết nối với Tổng đài quốc gia bảo vệ TE 111 trong việc tư vấn, hỗ trợ, can thiệp TE bị xâm hại, bạo lực…