Mùa xuân ở vùng nông nghiệp công nghệ cao Ninh Phước

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Ninh Phước đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất, xem đây là giải pháp đột phá nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao.

Ninh Phước là huyện có thế mạnh phát triển các loại cây trồng đặc thù giá trị kinh tế cao. Để vươn lên từ nông nghiệp, thời gian qua, huyện đã đề ra giải pháp có tính đột phá dựa trên thế mạnh tài nguyên đất đai, coi trọng việc nhân rộng những mô hình sản xuất có năng suất, chất lượng cao. Từ định hướng đó, huyện tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho ứng dụng khoa học - công nghệ, lựa chọn đưa các loại giống cây trồng có giá trị cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận cho nông dân; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn; huyện kêu gọi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, qua đó đã có một số doanh nghiệp hợp tác với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị.

Từ thực tế triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong trồng rau an toàn, trồng nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP... đã nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Đến nay, huyện đã triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mô hình ứng dụng bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo; mô hình san phẳng đồng ruộng bằng thiết bị laser ở xã Phước Hậu, Phước Sơn và Phước Thuận; nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm; mô hình trồng trọt được chứng nhận VietGAP và chứng nhận hữu cơ...; hình thành được vùng sản xuất tập trung theo mô hình ứng dụng CNC và phát triển sản phẩm hàng hóa, liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị như sản phẩm măng tây xanh (MTX), nho, táo; chuỗi giá trị chăn nuôi theo hướng liên kết đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Người dân thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) trồng măng tây xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Những ngày cuối năm đến thăm cánh đồng lớn trồng MTX của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú, xã An Hải chúng tôi nhận thấy người dân đã tìm được hướng đi thích hợp trong phát triển cây MTX. Bà con đã biết áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất, làm hồi sinh những cánh đồng khô hạn, bởi cây trồng chủ lực ở đây chủ yếu là rau màu, MTX. Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú cho biết: Để duy trì và phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện nắng hạn, bà con đã triển khai các mô hình ứng dụng CNC có hiệu quả. Đặc biệt là từ khi được tỉnh, huyện quan tâm xây dựng vùng trồng MTX, nhiều hộ thành viên HTX đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước thay cho tưới tràn. Qua sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm đã giảm được công lao động, 50% nước tưới so với sản xuất truyền thống. Đến nay, 60 ha trồng MTX của HTX đã được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng, thu nhập của nhiều hộ thành viên tăng so với trước đây. Bình quân mỗi hộ thành viên trong HTX có thu nhập ổn định từ 200-300 triệu đồng/năm. Thành quả từ ứng dụng CNC vào sản xuất đã tạo niềm tin để các nông hộ tiếp tục nhân rộng trong năm mới.

Anh Nguyễn Minh Phi, ở khu phố 15, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu, lợi thế từng vùng, tham gia phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC với doanh nghiệp, HTX để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện các quy hoạch vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất chuyên canh các sản phẩm có lợi thế ứng dụng CNC. Xây dựng mỗi vùng ít nhất có từ 1 đến 2 mô hình ứng dụng CNC và thực hiện hỗ trợ chứng nhận sản phẩm an toàn VietGAP, Organic... Phát triển các hình thức liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ, chế biến và bảo quản nông sản; duy trì và nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất.