Tháng Tư tri ân

Tỉnh ta hiện có trên 4.538 liệt sĩ, 518 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), 1.917 thương binh, 2.717 bệnh binh, 907 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm và những việc làm nghĩa tình cụ thể.

Cho những hy sinh thời chiến

Tháng Tư về, ngôi nhà của Mẹ VNAH Lê Thị Hự ở làng biển Cà Ná (Thuận Nam) rộn ràng tiếng nói cười, lời thăm hỏi của các đoàn viên, thanh niên xã nhà. Tranh thủ những phút giây bên Mẹ, những câu chuyện về công việc, học tập, sinh hoạt và những đóng góp của mình trong xây dựng quê hương được các bạn kể cho Mẹ nghe một cách sôi nổi, tự hào. Còn với Mẹ Hự, những ký ức bi thương nhưng hào hùng trong lửa đạn chiến tranh một lần nữa “sống dậy”. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Mẹ Hự sớm nung nấu lòng căm thù giặc ngoại xâm, quyết tâm đi theo cách mạng để bảo vệ quê hương, đất nước. Bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng Mẹ vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với con đường giải phóng dân tộc. Chồng Mẹ là Liệt sĩ Nguyễn Hiệu, cũng là cán bộ tham gia cách mạng và hy sinh khi mới 29 tuổi. 3 người con trai của Mẹ cũng đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc khi đang ở độ tuổi đôi mươi. Để tri ân những mất mát to lớn mà các Mẹ gánh chịu, bên cạnh chăm lo vật chất, tinh thần cho các Mẹ, nhiều đơn vị đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ suốt đời, giúp các mẹ sống vui, sống khỏe để chứng kiến quê hương, đất nước ngày thêm đổi mới và phát triển.

Đoàn Thanh niên Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Ninh Thuận thăm, chúc tết Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hự.

Năm 1989, sau hơn 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, cựu chiến binh (CCB) Võ Huy Thông, nguyên cán bộ Trung đoàn 96, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 trở về quê hương nhưng luôn đau đáu nhìn về chiến trường nước bạn, nơi đồng đội ông vẫn còn nằm lại chưa về. Hơn 8 năm qua, không kể tuổi già sức yếu, CCB Võ Huy Thông vẫn trăn trở, băng rừng, lội suối, vượt hàng nghìn km đường để tìm kiếm, quy tập và đưa đồng đội trở về yên nghỉ nơi đất mẹ. Trong 8 năm, ông đã có 11 chuyến đi, hơn 316 hài cốt đồng đội được tìm thấy là động lực để ông vững tin, “chân cứng đá mềm” trong hành trình đi tìm đồng đội. Xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, những CCB và nhân dân trong tỉnh luôn quan tâm, tích cực tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ để đưa về an táng, chăm sóc, thờ phụng. Đến nay, có hơn 1.141 hài cốt đã được quy tập đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Các thương binh, bệnh binh và người có công (NCC) với cách mạng cũng được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm bằng nhiều chương trình, chính sách cụ thể, thiết thực với nhiều hình thức đa dạng và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Một trong số đó là chính sách hỗ trợ về nhà ở cho NCC. Từ năm 2013 đến năm 2019, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành, tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.087 nhà cho NCC với số tiền gần 29 tỷ đồng.

... Và những cống hiến thời bình

Ninh Thuận có trên 31.000 NCC với cách mạng. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, “thương binh tàn nhưng không phế”, bản thân nhiều thương - bệnh binh, thân nhân liệt sĩ luôn gương mẫu đi đầu chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu, chương trình phát triển của địa phương. Nhiều tấm gương thương - bệnh binh dù điều kiện sức khỏe hạn chế vẫn vượt khó vươn lên cùng gia đình, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động xã hội, trở thành những tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo. CCB Nguyễn Đức Nhận, xã An Hải (Ninh Phước) là một điển hình. Sau 8 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, năm 1975, ông Nhận rời quân ngũ trở về địa phương. Với bản lĩnh của một người chiến sĩ cách mạng được tôi luyện qua lửa đạn chiến tranh, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư mở xưởng sản xuất các mặt hàng gỗ mỹ nghệ. Hơn 20 lao động là con em của đồng đội, của hội viên hội CCB và những bộ đội phục viên trở về địa phương được ông nhận vào xưởng, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, nhiều CCB còn lan tỏa giá trị cuộc sống với cộng đồng bằng những việc làm thiện nguyện. Là bộ đội về hưu, vốn có nghề thuốc Nam, 11 năm nay, ông Khúc Ngọc Phương mở phòng khám đông y, mỗi ngày thăm khám và cấp thuốc điều trị cho 15-20 bệnh nhân, hoàn toàn miễn phí. Phẩm chất tốt đẹp của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” là hành trang để người CCB, người thầy thuốc Khúc Ngọc Phương mang theo ngay cả khi tuổi đã cao, sức khỏe đã phần nào giảm sút bởi ông luôn tâm niệm “hạnh phúc là được nhìn thấy bản thân, gia đình, đồng đội và những người sống quanh mình luôn vui vẻ, khỏe mạnh”.

Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến thương binh, liệt sĩ. Người khẳng định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân, cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, các hoạt động thăm hỏi, xây nhà tình nghĩa, tặng quà các gia đình chính sách, Mẹ VNAH đã trở thành hoạt động thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đó là sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với những người đã hy sinh một phần thân thể của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Các hoạt động, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã thực sự đi vào cuộc sống của mỗi người dân và ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp tham gia đóng góp vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Bản thân các thương - bệnh binh cũng rất cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế”, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ám ảnh đau thương vẫn còn âm ĩ trong tiềm thức và những vết tích đạn bom trên cơ thể những người trong cuộc. Nhắc nhở không phải để đau thương, càng không phải để bi lụy mà để mỗi chúng ta tự hào và biết ơn những con người anh hùng của một dân tộc kiên trung. Chính sách ưu đãi NCC luôn được đưa vào những văn kiện cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của trung ương, địa phương. Những chính sách và tình cảm quan tâm phần nào bù đắp cho những hy sinh, những cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc.