Ninh Phước hôm nay

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Ninh Phước đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1996.

Trung tâm huyện Ninh Phước.

Phát huy truyền thống cách mạng, 31 năm sau ngày tái lập tỉnh, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân, Ninh Phước hôm nay đã đổi thay thấy rõ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo quê hương phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng nông thôn mới (NTM). Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Những ngày đầu giải phóng, Ninh Phước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Để tạo bứt phá vươn lên, huyện xác định hoàn thiện bộ máy tổ chức, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển cho từng giai đoạn, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để từng bước tháo gỡ khó khăn, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua 31 năm xây dựng và phát triển, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Phước luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng thế mạnh của huyện xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Nhìn tổng thể bức tranh phát triển kể từ sau khi tái lập tỉnh đến nay, Ninh Phước có nhiều khởi sắc, đặc biệt, từ nỗ lực xây dựng NTM đã góp phần thổi làn gió mới đến từng vùng quê, đời sống của người dân từ đó được cải thiện. Đến nay, tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 11,33%; thu ngân sách huyện năm 2022 đạt 91,98 tỷ đồng.

Du khách tham quan làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc. Ảnh: S.N

Là địa phương có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, Ninh Phước xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là hướng đi chủ lực và bền vững cho kinh tế huyện nhà. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo các mô hình hình tiên tiến, huyện đã phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; quy hoạch các cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, để phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với biến đổi khí hậu, huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả gắn với liên kết bao tiêu sản phầm như: Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gắn với biện pháp canh tác “1 phải, 5 giảm”; cánh đồng lớn trồng bắp, măng tây xanh; mô hình trồng nho, táo, măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình tưới nước tiết kiệm sản xuất rau an toàn; mô hình bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo... Từ những mô hình trên đã tạo “nền móng” quan trọng để phát triển nông nghiêp theo hướng ứng dụng CNC, có năng suất, chất lượng và sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện xây dựng được 30 sản phẩm OCOP. Nhờ đó, giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích sản xuất đạt 196,5 triệu đồng/ha. Tổng giá trị sản xuất trên 2.553 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng (năm 2015) lên 64 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 13,66% xuống còn 1,71% vào cuối năm 2022.

Nông dân Ninh Phước thu hoạch táo. Ảnh: Sơn Ngọc

Đến Ninh Phước hôm nay, có thể cảm nhận được sự phát triển mạnh mẽ đó là huyện đã tận dụng được lợi thế của địa phương để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực. Đến nay, ở lĩnh vực năng lượng tái tạo có 13 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 489,221 MW. Ngoài ra, có 525 hộ dân lắp điện mặt trời áp mái với tổng công suất 70.199 kW được đưa vào vận hành thương mại, tạo động lực phát triển của địa phương. Ở lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã kêu gọi các dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp với năng lượng tái tạo; sản xuất, kinh doanh tôm giống chất lượng cao tại xã An Hải. Ngoài ra, huyện còn tập trung phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh các làng nghề truyền thống; đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ... Qua đó, giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 4.475 tỷ đồng; giá trị thương mại, dịch vụ đạt 2.813 tỷ đồng. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa có sự chuyển biến rõ nét, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ; quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực để duy trì 9/9 tiêu chí NTM cấp huyện. Đến nay, có 8/8 xã đạt chuẩn NTM, xã Phước Thuận đạt chuẩn NTM nâng cao và đang đề nghị công nhận xã Phước Thái, Phước Hậu và An Hải đạt chuẩn NTM nâng cao; lập thủ tục công nhận thôn Ninh Quý 2 (xã Phước Sơn), thôn Trường Thọ (xã Phước Hậu), thôn Hiệp Hòa (xã Phước Thuận) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Diện mạo nông thôn xã Phước Hữu. Ảnh: V.M

Đồng chí Bạch Văn Nguyên cho biết thêm: Thời gian tới, Ninh Phước đặt ra mục tiêu tiếp tục tập trung thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của huyện, lấy nông nghiệp CNC và năng lượng tái tạo là động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tập trung quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khi hậu. Theo đó, huyện tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên có động lực tăng trưởng. Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC vào sản xuất với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nâng cao chất lượng huyện NTM và xây dựng thị trấn Phước Dân đạt chuẩn đô thị loại IV. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị các ngành bình quân hằng năm từ 12-13%; thu ngân sách nhà nước trên 116 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 84,82 triệu đồng.