Hiệu quả mô hình “Mỗi gia đình một chuồng nuôi nhốt, kết hợp trồng cỏ chăn nuôi gia súc”

Xã Phước Thắng (Bác Ái) là địa phương thuần nông, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Hiện trên địa bàn xã có tổng đàn gia súc trên 13.000 con, mức sinh trưởng của đàn gia súc ngày càng tăng, tuy nhiên nhiều hộ dân vẫn còn tập quán chăn thả ngoài tự nhiên, ít quan tâm đến việc làm chuồng trại nuôi nhốt và trồng cỏ chăn nuôi nên thể trạng gia súc yếu, gầy.

Nhằm giúp người dân thay đổi tập quán chăn nuôi thả rong, nhỏ lẻ sang chăn nuôi nhốt tập trung, giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi, xã Phước Thắng đã phát động mô hình “Mỗi gia đình một chuồng nuôi nhốt, kết hợp trồng cỏ chăn nuôi gia súc”. Dù mới triển khai nhưng mô hình đã thu hút sự tham gia của nhiều hộ dân địa phương. Qua đó, giúp bà con thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang nuôi tập trung, góp phần cải thiện chất lượng đàn bò, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch ở địa phương.

Anh Kadá Khôi ở thôn Ma Ty, xã Phước Thắng thực hiện mô hình “Mỗi gia đình một chuồng nuôi nhốt, kết hợp trồng cỏ chăn nuôi gia súc” có hiệu quả.

Gia đình ông Chamaléa Loanh ở thôn Ma Oai là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình “Mỗi gia đình một chuồng nuôi nhốt, kết hợp trồng cỏ chăn nuôi gia súc” ở địa phương. Ông Loanh cho biết: Trước đây gia đình chăn nuôi theo tập quán thả rông ngoài tự nhiên, không quan tâm đến việc làm chuồng trại và trồng cỏ chăn nuôi nên vào mùa khô đàn bò thường thiếu thức ăn dẫn đến bò bị ốm và suy dinh dưỡng. Từ khi Ủy ban MTTQ Việt Nam xã phát động mô hình “Mỗi gia đình một chuồng nuôi nhốt, kết hợp trồng cỏ chăn nuôi gia súc” và được cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, trồng cỏ chăn nuôi gia đình quyết định đầu tư gần 20 triệu đồng để nuôi 18 con bò sinh sản và trồng 3 sào cỏ voi để có thêm thức ăn tươi cho đàn gia súc, nhờ đó giúp đàn bò sinh trưởng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cũng như gia đình ông Loanh, sau khi xã phát động mô hình “Mỗi gia đình một chuồng nuôi nhốt, kết hợp trồng cỏ chăn nuôi gia súc” đàn bò và đàn dê 31 con của gia đình anh Ka dá Khôi ở thôn Ma Ty đã có chuồng nuôi nhốt ổn định và luôn đảm bảo thức ăn tươi và khô cho đàn gia súc trong mùa nắng cũng như mùa khô. Anh Khôi chia sẻ: Đây là mô hình rất hiệu quả, qua đó giúp các hộ chăn nuôi chủ động thức ăn cho đàn gia súc, góp phần nâng cao chất lượng đàn vật nuôi và bảo vệ môi trường ở địa phương nên nhiều hộ dân trong xã hưởng ứng mô hình này.

Ông Katơr Huấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Thắng cho biết: Mô hình “Mỗi gia đình một chuồng nuôi nhốt, kết hợp trồng cỏ chăn nuôi” hiện đang là hướng đi có hiệu quả, không chỉ giúp người dân tìm được lời giải cho bài toán phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn giúp thay đổi tập quán nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang nuôi tập trung, quy mô hàng hóa. Mô hình phát động đã được đông đảo bà con trên địa bàn xã hưởng ứng và thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Bền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái cho biết: Mô hình “Mỗi gia đình một chuồng nuôi nhốt, kết hợp trồng cỏ chăn nuôi gia súc” là sáng kiến của Đảng ủy xã Phước Thắng cùng với Mặt trận huyện, nhằm tuyên truyền vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, xây dựng chuồng nuôi nhốt bằng vật liệu sẵn có để nâng cao chất lượng đàn bò và tận dụng được phân chuồng để bón cho cây trồng, đồng thời giúp cảnh quan môi trường nông thôn miền núi sạch đẹp. Đây là mô hình hay, sắp tới Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục đồng hành với cấp ủy, chính quyền các xã sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ một phần về giống cỏ, chi phí chuồng trại, tập huấn kỹ thuật cho những hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo thực hiện mô hình.