Phan Rang - Tháp Chàm: Quyết tâm trở thành thành phố đáng sống

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đề ra mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 kinh tế đô thị của thành phố chiếm tỷ trọng 90% kinh tế đô thị toàn tỉnh, trở thành đô thị xanh, hiện đại, thông minh và là một trong những đô thị trọng tâm liên kết vùng với chức năng dịch vụ, du lịch, trung tâm hành chính văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh và khu vực...

Tạo đột phá phát triển

Những ngày tháng Tư lịch sử, Phan Rang - Tháp Chàm rực rỡ cờ hoa. Người dân đô thị thật sự tự hào khi chứng kiến quê hương đổi mới, phát triển từng ngày. Qua 32 năm tái lập tỉnh, đặc biệt sau 17 năm được Chính phủ công nhận là thành phố thuộc tỉnh, Phan Rang - Tháp Chàm đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, xứng tầm là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, đầu tàu kinh tế của tỉnh. Để đạt được kết quả đó, trong từng nhiệm kỳ thành phố đề ra định hướng, chiến lược phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn, huy động, quản lý tốt các nguồn lực, để khai thác các tiềm năng, lợi thế đô thị ven biển, tạo đột phá phát triển kinh tế, gắn với ổn định xã hội, môi trường bền vững và nâng cao đời sống nhân dân.

Khu đô thị Đông Bắc (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: T.D

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quy hoạch sử dụng đất, chiến lược phát triển, những năm qua, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã tập trung mở rộng không gian, nâng cao chất lượng đô thị thông qua kêu gọi đầu tư các công trình, dự án khu đô thị mới, khu dân cư, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, các dự án du lịch, thương mại, dịch vụ, nhà máy, xí nghiệp... nhằm đẩy mạnh thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, đóng góp quan trọng tăng trưởng kinh tế của thành phố. Hiện thành phố có trên 300 tuyến đường, với gần 130km, trong đó có khoảng 100 tuyến đường chính với tổng chiều dài 80km và 200 tuyến đường trong các khu dân cư khu đô thị mới... Trong số 20 tuyến phố chính, có 10 tuyến phố văn minh, thu hút nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông, du lịch, nhà hàng, khách sạn... hình thành những khu mua sắm, khu thương mại, khu đô thị mới, khu dân cư sầm uất. Đứng chân trên địa bàn còn có 1 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, không chỉ tạo nên diện mạo hoàn toàn mới, mà còn là động lực cho kinh tế phát triển.

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm về đêm. Ảnh: T.D

Năm 2023, giá trị sản xuất các ngành kinh tế của thành phố đạt trên 20.700 tỷ đồng, đạt tăng trưởng 9,6%; trong đó thương mại - dịch vụ trên 8.569 tỷ đồng, tăng 12,3%, chiếm 62,3% trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng trên 10.625 tỷ đồng, tăng 8,2% chiếm 31,3%. Thu nhập bình quân đầu người trên 112 triệu đồng/người/năm. Đến nay, thành phố đã cơ bản đạt được 54/63 tiêu chí đô thị loại II, đồng thời đạt chuẩn đô thị loại I là 41/63 tiêu chí. Trong đó, mật độ cây xanh đô thị, cây xanh công cộng hiện đã tăng lên đạt ở mức 9,94m2/người; 95,5% người dân đô thị được cấp nước sạch sinh hoạt; 99% rác thải được thu gom... Trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... được quan tâm thực hiện tốt góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân đô thị.

Tập trung phát triển kinh tế đô thị

Đồng chí Châu Thị Thanh Hà, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật, Phan Rang - Tháp Chàm có vai trò rất quan trọng, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đô thị, cũng như KT-XH của cả tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, kinh tế đô thị của thành phố chiếm 90% kinh tế đô thị của cả tỉnh. Để đạt mục tiêu trên, thành phố tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế để kinh tế đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả với cơ cấu hợp lý; tạo điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị. Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển nhanh kinh tế số, các ngành sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao.

Người tiêu dùng mua sản phẩm tại siêu thị WinMart (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.Nỷ

Cụ thể, thành phố tiếp tục tập trung huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho các dự án phát triển các đô thị, các trung tâm kinh tế động lực làm khâu đột phá, sức lan tỏa lớn, kết nối vùng, tạo đà phát triển KT-XH. Ưu tiên đầu tư các hạ tầng thiết yếu làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển đô thị; từng bước hoàn thiện và đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại II, hướng đến đô thị loại I nhằm phát huy vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng KT-XH của tỉnh.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp tạo đột phá phát triển thương mại và dịch vụ, trong đó cốt lõi là phát triển đô thị du lịch, du lịch biển. Đồng thời khai thác tiềm năng, thế mạnh, đưa sản xuất công nghiệp - xây dựng trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển nhanh và bền vững; tạo môi trường thông thoáng, phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, ưu tiên đối với các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, sạch và thân thiện môi trường; đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thành Hải và nâng cao hiệu quả dự án đầu tư thứ cấp trong Cụm công nghiệp Tháp Chàm.

Thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng và phát triển Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”; tập trung xây dựng hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; thực hiện chuyển đổi số, chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các ứng dụng, dịch vụ thông minh nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.

Song song với phát triển kinh tế, thành phố chú trọng thực hiện tốt trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, chính sách an sinh xã hội, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường... phục vụ phát triển kinh tế đô thị bền vững, sớm trở thành thành phố đáng sống.