Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Thực hiện Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; ngày 6/5/2024, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ký ban hành Kế hoạch số 304-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện nội dung nêu trên.

Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên để tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của từng cấp, ngành, địa phương. Trong đó, cần chú trọng thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra, trọng tâm là tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, vận động đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần khẩn trương, cụ thể, thiết thực, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức và hành động. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương về nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án... với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, kết nối với vùng và cả nước; định hướng đến năm 2045, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, kết nối và hội nhập.

Cơ sở hạ tầng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm được đầu tư khang trang. Ảnh: V.Nỷ

Cùng với đó cần bám sát chỉ đạo của trung ương để thực hiện chủ trương thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; hoàn thiện mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD); xây dựng cơ chế tài chính đặc thù đối với các công trình hạ tầng văn hóa, xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn, xây dựng những công trình hạ tầng quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, chiến lược. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với năng lực tổ chức thực hiện và đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, rút ngắn quy trình ra quyết định, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đầu tư.

Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và với các địa phương lân cận trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội, tài nguyên và môi trường bảo đảm thống nhất và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của vùng, quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án; nghiên cứu tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo quy hoạch khi có chỉ đạo của trung ương.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho công trình, dự án quan trọng, tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững và các công trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn hoặc khó thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội. Tiếp tục huy động nguồn vốn ODA, các khoản vay ưu đãi gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng; áp dụng linh hoạt trần nợ công gắn với khả năng trả nợ để tăng thêm nguồn lực, phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng. Tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ tỉnh.

Tập trung đầu tư, sớm đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ như: Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná; cảng biển tổng hợp Cà Ná; đẩy nhanh các thủ tục triển khai cảng hàng không Thành Sơn... Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng truyền tải để đáp ứng đủ nhu cầu truyền tải, giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo, nhằm thực hiện mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành một trong những trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước; đầu tư hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp: Thành Hải, Du Long, Phước Nam (giai đoạn II), Cà Ná tạo điều kiện thu hút các dự án thứ cấp, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có đạt từ 50-60%; triển khai các giải pháp tạo đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số.

Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giáo dục - đào tạo, cơ sở trường lớp theo hướng kiên cố hóa, đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tăng cường năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới, nâng chất lượng hoạt động y tế cơ sở. Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, tăng cường liên kết vùng, kết nối giữa các địa phương để phát triển du lịch; mở rộng hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; đầu tư hạ tầng nông thôn mới cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng, miền...

Về nhiệm vụ cụ thể, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo rà soát, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách, bố trí đủ nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 304-KH/TU. Thường xuyên giám sát việc thực hiện.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn quán triệt và định hướng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 304-KH/TU và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan.

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tăng cường giám sát, phản biện xã hội trong việc xây dựng, thực hiện chính sách liên quan; lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân vai trò, tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với sự phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch... phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 304-KH/TU gắn với nghị quyết, kết luận, chương trình, kế hoạch có liên quan của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thường xuyên rà soát các văn bản, quy định pháp luật có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện; định kỳ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết báo cáo Bộ Chính trị theo quy định.