Đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng Ngày Thalassmia thế giới

Hưởng ứng Ngày Thalassmia thế giới (8/5), các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn thiết thực, ý nghĩa.

Bệnh Thalassemia còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động, tuổi thọ thấp... Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số (DS) mang gen bệnh. Trong đó, tỷ lệ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số mang gen bệnh khá cao, chiếm từ 20-40%, một trong những nguyên nhân chính là do kết hôn cận huyết. Chủ đề truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới năm nay là “Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh TMBS để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt”. Để nâng cao chất lượng DS, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh phối hợp tuyên truyền, giáo dục cho người dân về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh...

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ninh Sơn tuyên truyền về dân số tại xã Ma Nới (Ninh Sơn).

Bà Hoàng Thị Hiệp, cán bộ phụ trách công tác DS Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Ninh Sơn chia sẻ: Toàn huyện có 5 xã khó khăn thuộc Dự án 7 gồm: Lâm Sơn, Lương Sơn, Nhơn Sơn, Mỹ Sơn, Ma Nới với 12.080 hộ/48.901 nhân khẩu. Để giảm thiểu và phòng ngừa mắc bệnh Thalassemia, TTYT huyện Ninh Sơn chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cung cấp kiến thức cho người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về các nội dung bệnh Thalassemia, tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh thông qua hội nghị, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong các buổi tiêm vắc xin, khám thai, sinh hoạt thôn; thường xuyên cập nhật và đưa các thông tin trên trang thông tin điện tử của huyện và trên hệ thống loa truyền thanh tuyến xã, khu dân cư. Tùy tình hình thực tế các xã có thể chủ động lồng ghép nội dung truyền thông về bệnh TMBS vào các buổi tọa đàm, hội thảo, tập huấn... Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ DS, cộng tác viên DS thường xuyên trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, những nguy cơ do dị tật bẩm sinh để lại. Qua đó, nhận thức của người dân được nâng cao nên việc kiểm tra thai kỳ và sàng lọc sơ sinh được nhiều bà mẹ quan tâm. Các gia đình không còn e ngại khi lấy máu gót chân của trẻ ngay sau sinh. Hơn thế nữa, nhiều người còn mong muốn con, cháu mình được sàng lọc bệnh sớm dù là làm theo phương thức dịch vụ thu phí. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ninh Sơn có 290 ca sàng lọc sơ sinh, trong đó có 52 ca tham gia lấy máu gót chân, tầm soát các bệnh trong đó có bệnh TMBS. Chị Đạo Thị Oanh, thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) vừa sinh con chia sẻ: Khi mang thai tôi được cán bộ DS vận động khi sinh lấy mẫu máu gót chân cho con để sàng lọc một số bệnh tật. Vì vậy sau sinh tôi tự nguyện thực hiện sàng lọc sơ sinh để biết chắc con mình khỏe mạnh. Tôi cũng khuyên các bà mẹ chuẩn bị sinh hãy thực hiện sàng lọc sơ sinh để yên tâm con mình không bị bệnh thiếu men G6PD, TMBS.

Cùng với đó, trung tâm còn tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguy cơ của việc kết hôn cận huyết thống với bệnh Thalassemia; tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân hướng đến đối tượng nam hoặc nữ thanh niên chưa kết hôn đã mắc bệnh TMBS, người có khả năng mang gen bệnh, người có nguy cơ cao mang gen bệnh tại cộng đồng cần khám sức khỏe trước kết hôn tại cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và thực hiện xét nghiệm sàng lọc bệnh TMBS. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho nhóm đối tượng thanh niên chuẩn bị kết hôn để vận động tự nguyện tham gia khám sức khỏe trước hôn nhân. TTYT huyện phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như nói chuyện chuyên đề về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên... Tại đây, các em được nghe các bác sĩ chuyên khoa trực tiếp nói chuyện, giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông về DS tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành vi của người dân. Em Bộ Alê Thị Kiều, sinh năm 2005, thôn Tà Nôi, xã Ma Nới (Ninh Sơn) chia sẻ: Qua các buổi tuyên truyền em nhận thấy tầm quan trọng của việc tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân, do vậy em không ngần ngại tham gia khám để chuẩn bị kết hôn, qua đó giúp em trang bị thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe để có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc hơn.

Không chỉ trên địa bàn huyện Ninh Sơn, TTYT huyện Bác Ái, TTYT huyện Thuận Nam... cũng tích cực tuyên truyền phòng bệnh TMBS. Để có gia đình mạnh khỏe - hạnh phúc, vì chất lượng giống nòi và tương lai đất nước, hãy tích cực tham gia phòng bệnh TMBS... Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân

Với nhiều hoạt động thiết thực, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình, cộng đồng về không kết hôn cận huyết thống; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh... từng bước đẩy lùi bệnh Thalassemia.