Viêm mũi, dễ biến chứng

Những ngày thời tiết diễn biến thất thường như vừa qua, các phòng mạch phải tiếp nhận điều trị cho rất nhiều trẻ em nghẹt mũi kèm theo chảy nước mũi trong hoặc mũi nhầy mủ và ho, sốt, bứt rứt, quấy khóc, một số trẻ có kèm theo nôn mửa, tiêu chảy… Những triệu chứng này hầu hết là do viêm mũi hoặc biến chứng của viêm mũi.

Đây là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ khoảng 6 tháng tuổi đến 7 - 8 tuổi, do khả năng miễn dịch còn kém. Bệnh thường tái phát nhiều lần, nhất là khi thời tiết thất thường, có sự chênh lệch đáng kể giữa nhiệt độ ban ngày và ban đêm. Viêm mũi trong trường hợp này thực chất là tình trạng viêm niêm mạc của hốc mũi và vùng họng mũi. Tác nhân gây bệnh chủ yếu xâm nhập cơ thể theo không khí trong quá trình trẻ hít thở. Hầu hết trường hợp nếu không được điều trị dứt điểm thì bệnh tái phát nhiều lần và rất dễ dẫn đến các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm xoang cấp...

 
Ảnh minh họa.

Khi thấy trẻ bị viêm mũi, các bậc cha mẹ nên chú ý là nếu trẻ sốt cao trên 380C thì cần phải theo dõi nhiệt độ cho trẻ thường xuyên, cho uống nhiều nước và tìm mọi cách để hạ sốt. Lưu ý là không tự ý dùng thuốc hạ sốt mà phải theo chỉ định của bác sĩ. Việc lau mát bằng khăn bông nhúng nước ấm vắt kiệt là rất đơn giản, dễ làm. Nếu thấy trẻ đột ngột sốt cao thì cần đưa đi cấp cứu gấp để ngừa biến chứng. Nếu thấy trẻ viêm mũi đã trên 7 ngày liền vẫn không khỏi hoặc có triệu chứng nặng hơn (đau tai, khàn tiếng, khó thở…) thì phải đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị.

Nhiều người thấy con sốt sợ gió nên bắt đắp mền hoặc mặc áo quần và che chắn quá kỹ. Thực ra, khi trẻ sốt thì nên cho mặc quần áo mỏng, nằm trong phòng thoáng nhưng tránh nơi có gió lùa.

Quá trình trẻ bị viêm mũi, hằng ngày nên dùng dung dịch nước muối 0,9% nhỏ mũi cho trẻ từ 3 - 4 lần cho đến khi hết chảy nước mũi. Không để trẻ dùng tay ngoáy mũi gây tổn thương niêm mạc mũi. Cho trẻ ăn nhiều thịt, cá, rau củ quả chín, trứng, đậu... để bảo đảm đủ dinh dưỡng.

Nguồn www.nld.com.vn