Tổ chức công đoàn lớn mạnh cùng sự phát triển của tỉnh

(NTO) 20 năm qua, kể từ khi tỉnh nhà được tái lập, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tháng 4 năm 1992, khi tỉnh mới đi vào hoạt động, việc tổ chức lại sản xuất, kinh doanh và bố trí lại cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể đã có biến động về tổ chức, cán bộ ở LĐLĐ tỉnh, các công đoàn ngành và CĐCS trực thuộc. Toàn tỉnh lúc đó chỉ có 2 Công đoàn ngành: Y tế và Giáo dục; 4 Công đoàn huyện, thị xã (Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn và thị xã Phan Rang-Tháp Chàm), toàn tỉnh chỉ có 288 công đoàn cơ sở (CĐCS), với trên 7.000 công đoàn viên.

 
Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao quỹ “Mái ấm công đoàn cho CNV-LĐ”.
Ảnh: V.Miên

Qua mỗi nhiệm kỳ, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh luôn xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp với thực tế từng năm, với nội dung hoạt động luôn đổi mới, sáng tạo. Trong đó, công tác phát triển đoàn viên, thành lập và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, có tính quyết định kết quả hoạt động của công đoàn và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cho từng LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành; đồng thời chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở tiến hành phân loại doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn để tuyên truyền phát triển đoàn viên, vận động thành lập CĐCS và giao chỉ tiêu phát triển sát với thực tế. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã thành lập mới 381 CĐCS và phát triển mới trên 18.000 công đoàn viên, nâng tổng số lên 669 CĐCS, với trên 25.000 công đoàn viên. Hiện toàn tỉnh có 7 công đoàn huyện, thành phố và 4 Công đoàn ngành: Y tế, Giáo dục, Công đoàn Viên chức, Công đoàn các khu Công nghiệp.

 
Đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLD8 tỉnh trao quà cho công nhân Cty TNHH Nam Thành.
Ảnh: U.Thu

Cùng với sự tăng nhanh về số lượng, tổ chức công đoàn không ngừng được đổi mới nội dung, phương thức, đặc biệt là nâng cao chất lượng hoạt động. Việc xây dựng CĐCS vững mạnh vừa là tiền đề, vừa là điều kiện quyết định cho hoạt động công đoàn có hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và vai trò đại diện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVC-LĐ. Chính vì vậy, việc tập trung xây dựng CĐCS vững mạnh trong từng nhiệm kỳ là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn nên tỷ lệ CĐCS vững mạnh mỗi nhiệm kỳ đều tăng. Nếu như năm 1993, chỉ có 18% CĐCS đạt vững mạnh, thì năm 1998, nâng lên 59,80% CĐCS vững mạnh. Trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2008, tỷ lệ CĐCS đạt vững mạnh hàng năm bình quân là 76,31%. Thực hiện Nghị quyết 06a/NQ-TLĐ ngày 6-1-2011 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở”, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc phấn đấu riêng trong năm 2012 thành lập mới 30 CĐCS, kết nạp thêm 2.200 công đoàn viên.

 

Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống cho công đoàn viên, CNVC-LĐ luôn được các cấp Công đoàn trong tỉnh quan tâm. Tháng 4 năm 2007, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức Lễ phát động xây dựng Quỹ “Mái ấm công đoàn.” Đến nay, qua 5 năm, công đoàn viên, CNVC-LĐ trong tỉnh đã đóng góp ủng hộ với tổng số tiền trên 4,2 tỷ đồng để giúp những gia đình CNVC-LĐ khó khăn về nhà ở. LĐLĐ tỉnh đã xét và hỗ trợ cho 183 trường hợp, với số tiền trên 3,5 tỷ đồng; trong đó xây mới 167 căn nhà, sửa chữa 16 căn, với mức hỗ trợ từ 15 đến 20 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, từ nguồn vốn cho vay Quỹ Quốc gia về việc làm được Tổng LĐLĐ Việt Nam phân bổ, trong 3 năm (2009-2011), LĐLĐ tỉnh đã xét duyệt cho 54 hộ CNVC-LĐ vay với số tiền 838 triệu đồng, mức cho vay từ 5-20 triệu đồng/hộ, giúp công đoàn viên phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập.

 Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao nhà "Mái ấm công đoàn" cho CNVC- LĐ
có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Uyên Thu

Thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóaVIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", trong đó có xây dựng cơ quan, doanh nghiệp văn hóa; LĐLĐ tỉnh đã hướng dẫn Công đoàn các cấp phát động thi đua xây dựng đơn vị văn hóa, gắn với đăng ký không có tệ nạn xã hội trong cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, qua đó hằng năm có trên 500 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đăng ký cơ quan văn hóa. Công đoàn các cấp phối hợp chính quyền tổ chức các hoạt động thể dục- thể thao cho CNVC-LĐ, thu hút hơn trên 10.200 lượt người tham gia; đặc biệt là LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức hội thi Thể dục- Thể thao trong CNVC-LĐ, Hội diễn nghệ thuật quần chúng (định kỳ 2 năm 1 lần) cũng diễn ra sôi nổi… Qua đó, tạo ra sân chơi bổ ích và lý thú đối với CNVC-LĐ trong tỉnh, sau khoảng thời gian lao động, công tác, được tham gia giao lưu, học hỏi và thể hiện tài năng, đồng thời tăng cường sức khỏe để tiếp tục làm việc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động phát triển công đoàn viên và thành lập CĐCS. Theo đó, khi người lao động tham gia công đoàn và doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, thực hiện phương châm “Công đoàn đồng hành cùng người lao động” nhằm khẳng định vai trò, vị thế của CĐCS trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công đoàn viên và người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Lấy hiệu quả hoạt động của CĐCS để vận động, thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn để xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh theo kịp tiến trình phát triển và đổi mới của tỉnh và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.