Diện mạo mới của xã Phước Tân

(NTO) Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhân dân xã miền núi Phước Tân (Bác Ái) đã một lòng theo Đảng, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Ghi nhận thành tích ấy, năm 2007, Nhà nước đã phong tặng xã Phước Tân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống anh hùng, với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, người dân Phước Tân đã bứt phá vươn lên xây dựng quê hương mới.

 
Hệ thống kênh dẫn nước từ hồ chứa Trà Co (dung tích trên 10 triệu m3) phục vụ tưới
cho hàng trăm ha đất canh tác tại Phước Tân.

Đầu tháng 4, trở lại xã miền núi Phước Tân, hình ảnh gây ấn tượng đầu tiên cho chúng tôi là hạ tầng giao thông. Từ thôn Trà Co, xã Phước Tiến, sau khi vượt đoạn đường lớn rải sỏi cấp phối đến thôn Đá Trắng, trước mắt là con đường tráng nhựa êm ái dẫn về thôn Ma Ty (trung tâm xã). Từ năm 2009, do việc xây dựng hồ chứa nước Trà Co, toàn bộ thôn Ma Ty cũ phải di dời khỏi vùng lòng hồ, theo đó Dự án khu tái định cư thôn Ma Ty, với 185 căn nhà cho các hộ dân được xây dựng, tạo đà cho Phước Tân chuyển mình, mang bộ mặt mới của nông thôn miền núi. Nhìn từ trụ sở xã, có thể cảm nhận được vẻ thơ mộng của khu tái định cư nằm ẩn trong cánh rừng thưa. Vì xây dựng trên dốc đồi và chân sườn núi, những con đường tráng nhựa trong khu tái định cư cũng quanh co đèo dốc gợi liên tưởng về một phố núi trên cao nguyên. Ghé thăm các hộ định cư trong những ngôi nhà khang trang ở đây, gần như nhà nào cũng có ti-vi và xe máy. Anh Pi-năng Thuốc, Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân thừa nhận: “Trong xã, nhiều nhà có tới 2-3 chiếc xe máy, còn ti-vi thì quá đỗi bình thường. Bây giờ bà con còn sử dụng khá phổ biến điện thoại di động nữa kìa, nhất là trong giới thanh niên”.

 
Phát huy hiệu quả tưới từ công trình thủy lợi Trà Co, nông dân xã Phước Tân chuyển dịch cơ cấu cây trồng
đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Mùa thu hoạch đậu xanh của nông dân thôn Ma Ty. Ảnh: Sơn Ngọc

Phước Tân có tổng số 607 hộ dân, với 2.388 khẩu, sinh sống ở 3 thôn Đá Trắng, Ma Ty và Ma Lâm, ngoài 15 hộ người Kinh đến đăng ký tạm trú làm nghề buôn bán, còn lại là đồng bào dân tộc Raglai bản địa. Bà Ka-tơ Thị Phán ở thôn Ma Ty, vừa từ đồng ruộng về cho biết: “Bà con cảm ơn Đảng và Nhà nước lắm, bây giờ thì ai cũng được ở nhà đẹp, nhớ hồi còn dưới Ma Ty cũ, nhà nào cũng lụp xụp, lại còn sợ nước lũ cuốn trôi”. Nhìn lại 37 năm kể từ ngày giải phóng, đặc biệt là từ khi chia tách khỏi xã Trà Co vào năm 1993, nhiều cán bộ và người dân trong xã đều nhận xét chưa bao giờ Phước Tân lại chuyển mình nhanh chóng như vậy. Xã đã có được kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại với những công trình tiêu biểu như hồ đập, kênh mương, nhà ở, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt và nhiều thay đổi khác nữa. Trong 3 thôn của Phước Tân, Ma Lâm là thôn xa xôi nhất (cách trung tâm xã 10 km) cũng đã có đường giao thông vào tận nơi, hiện xã đang bàn giao mặt bằng để ngành chức năng đầu tư làm tiếp con đường dài 3 km từ Ma Lâm vào thác Cha-pơ. Có thêm con đường này, Ma Lâm sẽ trở thành điểm đón khách du lịch với nhiều cơ hội phát triển mới.

 
Khu tái định cư xã Phước Tân được xây dựng hệ thống điện đường và nhà ở khang trang bảo đảm đời sống nhân dân.
Ảnh: Sơn Ngọc

Với tổng diện tích tự nhiên 6.508,75 ha, trong đó có trên 839 ha đất nông nghiệp, vụ đông xuân năm nay, nhờ các công trình thủy lợi dẫn nước tưới nên gần 100% diện tích đã được người dân xuống giống gieo trồng. Ngoài các cây trồng trên nương rẫy như bắp, đậu, Phước Tân còn có 48 ha ruộng lúa nước 2 vụ ăn chắc. Nhờ đẩy mạnh hoạt động khuyến nông miền núi, nhìn chung kỹ thuật canh tác của người dân đã có nhiều tiến bộ, năng suất các loại cây trồng đều tăng dần, đơn cử lúa nước từ năng suất 30 tạ/ha đã nâng lên 50 tạ/ha, cá biệt có hộ đạt hơn 60 tạ/ha. Bà Ka-tơ Thị Nghéo, một nông dân sản xuất giỏi ở thôn Ma Ty, có 7 ha nương rẫy trồng bắp, chia sẻ: “Bà con đã biết làm lúa nước 10 năm rồi, khi nào nhà nước làm xong hệ thống kênh mương tôi cũng chuyển hết đất sang trồng lúa theo kỹ thuật đã được tập huấn”. Bên cạnh trồng trọt, tận dụng điều kiện tự nhiên của đồng cỏ dưới tán rừng, người dân Phước Tân đã đầu tư phát triển chăn nuôi bò, đến nay toàn xã đã có tổng đàn khoảng 1.300 con. Ông Pi-năng Đăng ở thôn Ma Lâm nuôi trên 10 con, nói: “Ở Phước Tân này muốn thoát nghèo chỉ có nuôi bò là hay nhất, có người nuôi rất nhiều như bà Chamaléa Thị Thính bên Ma Ty có đàn bò 32 con, nhờ nuôi bò mà nhiều người lo được cho con ăn học đàng hoàng”.

Theo anh Pi-năng Thuốc, hình ảnh mới của Phước Tân hôm nay có được chính nhờ dự án hồ thủy lợi Trà Co khởi phát, không chỉ toàn bộ diện tích đất sản xuất được tưới đủ mà còn có rất nhiều công trình hạ tầng nông thôn cũng được đầu tư xây dựng. Song trên hết, chính là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong những năm qua đã biết tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, để từng bước cải thiện đời sống người dân Phước Tân. Sau 37 năm trăn trở tìm giải pháp thoát nghèo, mảnh đất từng một thời là chiến trường trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, nay đang có cơ hội vươn lên phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.