Sức sống mới ở xã Phước Tiến

(NTO) Nằm cạnh dòng sông Trà Co với nương mía, rẫy bắp xanh tươi ôm ấp đôi bờ, xã miền núi Phước Tiến (Bác Ái) đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ. Đến đây vào những ngày đầu tháng 5, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới của Phước Tiến qua những công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng. Đặc biệt là quang cảnh mua bán nhộn nhịp của chợ phiên xã đang gợi mở về một hướng phát triển thương mại miền núi đầy triển vọng.

Phước Tiến có tổng diện tích tự nhiên 7.616 ha, đa số là đất rừng, đồi, núi, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 1.100 ha. Toàn xã có 6 thôn với dân số gần 3.730 người (836 hộ), có 7 dân tộc anh em sinh sống, riêng đồng bào dân tộc Raglai chiếm 86%.

 
Niềm vui được mùa của nông dân xã Phước Tiến. Ảnh: Văn Miên

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cán bộ và nhân dân xã Phước Tiến đã anh dũng, kiên cường, chịu đựng hy sinh gian khổ, trường kỳ bám trụ cho đến ngày toàn thắng. Ghi nhận sự đóng góp ấy, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho xã Phước Tiến và 1 cá nhân tiêu biểu. Phát huy truyền thống anh dũng trong chiến đấu, ngay từ những năm đầu sau ngày giải phóng, nhân dân xã Phước Tiến đã tích cực hưởng ứng chủ trương định canh, định cư của Đảng và Nhà nước, tự nguyện rời làng từ trên núi cao về định cư tập trung tại vùng đất bằng hiện nay. Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, đến năm 2006, Phước Tiến đã cơ bản xóa nạn đói, nhân dân không còn phải nhận trợ cấp cứu đói giáp hạt như trước. Đồng chí Chamaléa Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Phước Tiến cho biết: “Trong những năm qua xã đã tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ qua nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo, y tế quốc gia, giáo dục-đào tạo, các chương trình 134, 135, 167 và gần đây là chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo nghị quyết 30a của Chính phủ, nên đã có điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế-xã hội”.

Nếu so với năm đầu tái lập huyện Bác Ái (2001), có thể thấy rõ Phước Tiến hôm nay đã có nhiều đổi mới tiến bộ. Hệ thống điện, đường, trường, trạm và hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng trên địa bàn xã được đầu tư nâng cấp, bước đầu đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo ở đây giảm bình quân hàng năm từ 9 -10%, bình quân lương thực đầu người đạt 946 kg/người/năm; đáng chú ý từ năm 2010 đã cơ bản xóa tình trạng nhà tạm cho các hộ nghèo trên địa bàn xã. Hiện nay, xã Phước Tiến đang đẩy nhanh thực hiện Nghị quyết 30a và triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân để phát triển sản xuất, đảm bảo đất canh tác cho nhân dân, từng bước triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp cận với sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Anh Ka-tơ Giám, trưởng thôn Trà Co 2 cho biết: “Đa số người dân đã nắm bắt được kỹ thuật canh tác mới và biết chọn lựa giống chất lượng tốt, nên đã nâng năng suất lúa bình quân từ 2 tấn/ha vào năm 2001 lên 4,2 tấn/ha hiện nay”. Khai thác lợi thế của hệ thống kênh tưới, Phước Tiến đã nâng tổng diện tích gieo trồng lên 1.737 ha, tăng 160 ha so với năm 2001, trong đó diện tích chủ động nước là 400 ha, chủ yếu trồng các loại cây như: lúa nước, bắp lai, bắp địa phương, khoai mì cao sản và đậu xanh. Đặc biệt, xã đã hình thành vùng sản xuất lúa giống có diện tích 40 ha và thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp có 275 xã viên, là HTX nông nghiệp đầu tiên trên địa bàn huyện Bác Ái.

Không chỉ chuyển biến về đời sống, sản xuất, mà ngay cả lĩnh vực giáo dục, Phước Tiến cũng đã có sự đột phá quan trọng. Toàn xã đã có 4 trường ở các cấp học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở, với 753 học sinh và duy trì tốt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở, 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học, trong đó có 1 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Đồng chí Chamaléa Thiện khẳng định: “Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Phước Tiến được quan tâm, các phong trào văn nghệ, thể dục-thể thao ngày càng phát triển và được đầu tư đúng mức”. Theo thống kê của xã, trong tổng số hộ dân hiện đã có 95% có điện thắp sáng, 97% có các phương tiện nghe- nhìn, 70% có xe gắn máy và 100% người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Từ tiền đề đã có, Phước Tiến đang hướng đến mục tiêu vào năm 2015 cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết 30a và phấn đấu đến năm 2018 cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để biến các mục tiêu trên thành hiện thực, Phước Tiến đề xuất được hưởng một số chính sách đặc thù về cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng mức hỗ trợ sản xuất, học tập, đào tạo nghề và hỗ trợ xây dựng nhà ở Chương trình 167 phù hợp thực tế.