Định hướng phát triển ngành thiết kế vi mạch

Ngày 31/5, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Thiết kế vi mạch - Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Truyền thông về ngành thiết kế vi mạch: đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm - cung cấp thông tin cho báo chí”.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia trong ngành công nghệ vi mạch đã thảo luận và trao đổi về sự phát triển của nền công nghiệp vi mạch trên thế giới và những kinh nghiệm đối với Việt Nam hiện nay.

Các kỹ sư Trung tâm Đào tạo và Thiết kế Vi mạch - Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện kiểm định lõi chip IP sau khi thiết kế - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Giáo sư Đặng Lương Mô, cố vấn khoa học của Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết nền công nghiệp vi mạch trên thế giới mới chỉ phát triển trong 30 - 40 năm. Kinh nghiệm cho thấy, nếu có chiến lược tốt, sự quyết tâm đầu tư của Chính phủ thì đây sẽ là ngành công nghiệp công nghệ cao có đóng góp GDP rất lớn cho đất nước.

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Thiết kế Vi mạch - Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, hàng năm chúng ta phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu linh kiện vi mạch. Vì vậy, hiện nay Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đang lập dự án tiền khả thi đầu tư một nhà máy sản xuất chip đầu tiên của Việt Nam với số vốn khoảng 200 triệu USD.

Việt Nam mới bắt đầu những bước đi đầu tiên để xây dựng ngành công nghiệp vi mạch. Tuy nhiên, thị trường còn rất lớn và chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội để thành công.

Ông Ngô Đức Hoàng cho biết các nước cạnh tranh về công nghệ sản xuất chip có trọng lượng nhỏ cho những ứng dụng tinh vi. Tuy nhiên, những chip trọng lượng lớn hơn cũng vẫn rất cần trong những ngành khác như sản xuất máy giặt... Việt Nam không nên chạy đua với những nước sản xuất chip nhỏ từ 45-90 nano, nhưng có thể sản xuất chip 130 nano để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Bà Trần Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, mong muốn sau tọa đàm này công tác truyền thông về ngành thiết kế vi mạch sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó sẽ có những đánh giá kết quả các sự kiện đã thực hiện, rút kinh nghiệm cho công tác truyền thông khoa học công nghệ trong thời gian tới.

Nguồn www.chinhphu.vn