Miễn, giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và cá nhân

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XIII, sáng 12/6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, thảo luận dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường. Ảnh:Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường năm 2012.

Theo Tờ trình, cùng với những giải pháp mang tính ổn định, lâu dài, những giải pháp đã ban hành thuộc thẩm quyền, Chính phủ trình Quốc hội giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Cụ thể: Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.

Báo cáo thẩm tra về việc ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay cùng với việc thực hiện các nhóm giải pháp khác sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp thông qua việc doanh nghiệp có thêm nguồn vốn lưu động trong khi việc vay vốn ngân hàng đang khó khăn do các điều kiện vay và lãi suất cao.

Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đề xuất đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp là “doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội” là chưa bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Hiện nay, ngoài các lĩnh vực nêu trên còn có nhiều doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực khác cũng đang gặp khó khăn.

Ngoài ra, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp “xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế” chưa thật hợp lý vì so với nhiều lĩnh vực khác, các doanh nghiệp này chưa hẳn là đối tượng gặp nhiều khó khăn, cần phải hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay.

Về việc miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp, hầu hết các ý kiến trong Ủy ban Tài chính, ngân sách không tán thành với phương án miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân như đề xuất của Chính phủ. Điều này do các nguyên nhân: Thứ nhất, việc thực hiện chính sách giảm 50% thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân trong năm 2011 như báo cáo của Chính phủ không mang lại hiệu quả thiết thực vì giá trị tuyệt đối số tiền thuế được giảm quá khiêm tốn (bình quân mỗi hộ chỉ được giảm khoảng 50.000đ/tháng) nên tác động là không đáng kể.

Thứ hai, việc xác định đối tượng đủ điều kiện để áp dụng miễn thuế là không khả thi và khó có thể xác định được các hộ, cá nhân nào cung ứng dịch vụ giữ giá như cuối năm 2011, thực chất là như cuối năm 2010. Mặt khác, không có cơ chế để kiểm soát việc cung ứng dịch vụ cho người dân và không có chế tài xử lý nếu không thực hiện đúng quy định như Tờ trình của Chính phủ.

Thứ ba, năm 2011 Quốc hội đã cho phép áp dụng chính sách giảm 50% thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc, trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân. Tuy nhiên, Chính phủ chưa báo cáo cụ thể về hiệu quả đạt được, do đó chưa có cơ sở thuyết phục để đề xuất tiếp tục ban hành chính sách tương tự trong năm 2012.

Về đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, ngân sách đề nghị xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 (như Nghị quyết số 08/2011/QH13 của Quốc hội) và giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng nhằm góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thảo luận tại Hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc ban hành các giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường là cần thiết.

Đại biểu Trương Thị Ánh (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn như hiện nay, việc ban hành chính sách hỗ trợ thuế cho người dân và doanh nghiệp là cần thiết. Đại biểu đề nghị, hiện đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn, nên xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân, bên cạnh đó là giảm 50% thuế giá trị gia tăng với các mặt hàng như phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc… để hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Đồng tình với nhận định này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ chậm, nhưng chậm còn hơn không. Ông cũng kiến nghị thêm, ngoài việc miễn, giảm thuế, cần có thêm giải pháp tích cực hơn nữa để giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) cũng bày tỏ sự đồng thuận với việc cần thiết ban hành chính sách và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu này còn cho rằng, ngoài việc giảm thuế như trên, để hỗ trợ doanh nghiệp một cách chính xác, hiệu quả, phải hiểu doanh nghiệp đang đối diện với những khó khăn gì. Với quá trình sản xuất cũng như tái mở rộng sản xuất phải tác động đúng nơi, đúng lúc mới mang lại hiệu quả.

Bày tỏ quan điểm về dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Văn Bình (đoàn Hải Phòng) cho rằng: Tthứ nhất, cần bổ sung miễn thuế thu nhập cá nhân ở các bậc trong khi chờ đợi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, số tiền này khoảng 2.500 tỷ nhưng bù lại có thể hỗ trợ tiêu thụ, kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng hóa tồn kho. Thứ hai, hỗ trợ xúc tiến thương mại cả trong nước và nước ngoài, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước. Chính sách tiền tệ cần tiếp tục linh hoạt và lãi suất tiếp tục điều hành theo hướng giảm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Tập trung tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, những doanh nghiệp ngành nghề sử dụng nhiều lao động, có lợi thế về cạnh tranh, sản phẩm có thị trường tiêu thụ. Có như vậy mới đánh trúng, gỡ đúng khó khăn của doanh nghiệp để kích thích sản xuất, đẩy mạnh tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội.

Ngoài ra, thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đồng tình với việc giảm thuế doanh nghiệp cho một số đối tượng từ 25% xuống còn 20%; ủng hộ giải pháp giảm lãi suất cho vay. Có ý kiến nhấn mạnh tới việc phải kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, xử phạt nghiêm minh hàng giả, hàng trốn thuế đang làm tổn thương đến những người sản xuất kinh doanh chính đáng.

Cũng trong sáng nay, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII; nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông trình bày dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII; Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam