Triển vọng từ hướng trồng rau trong nhà lưới

(NTO) Nhằm giúp nghề trồng rau phát triển bền vững, tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, lần đầu tiên tỉnh ta đã đưa mô hình trồng rau an toàn (RAT) trong nhà lưới theo hướng VietGap vào sản xuất trên diện tích gần 40 ha tại các địa phương trọng điểm về trồng rau của tỉnh là An Hải (Ninh Phước), Hộ Hải (Ninh Hải) và phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) mở ra triển vọng mới cho người trồng rau.

Được Trung ương hỗ trợ vốn hơn 1 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoa học tỉnh hơn 1,4 tỷ đồng và nguồn vốn tự đầu tư từ các hộ tham gia, Trung tâm Thông tin Ứng dụng Khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã triển khai mô hình trồng RAT trong nhà lưới theo hướng VietGap. Mô hình được áp dụng theo quy trình sản xuất RAT, có hệ thống che chắn bằng lưới, khung thép và hệ thống tưới phun…

Lắp đặt nhà lưới trồng rau an toàn tại xã An Hải.

Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn phương pháp, kỹ thuật sản xuất trên thực tế đồng ruộng, cách phòng trừ dịch bệnh, kiểm tra được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cấp phát sổ tay ghi chép thực hành VietGap..., đồng thời được trợ giúp đóng gói bao bì mang thương hiệu “Rau sạch Ninh Thuận” và hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ.

Theo ông Hán Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin Ứng dụng Khoa học công nghệ, trồng rau trong nhà lưới là một trong những biện pháp sản xuất RAT, có thể canh tác trái vụ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Với cách làm này, sẽ đảm bảo nguồn cung cấp rau xanh cho thị trường quanh năm, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân. Mặt khác, tạo ra tập quán, phương pháp ứng dụng kỹ thuật mới cho người trồng rau.

Hiện dự án được triển khai trồng với 7 giống rau các loại như: Cải xanh - cải ăn lá, dưa leo, hành lá, cà chua, cà rốt, cà pháo và súp lơ. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ các quy trình từ khi bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch, được hỗ trợ từ 20% đến 50% chi phí đầu tư như giống, phân bón..., đồng thời được dự án hỗ trợ 100% vốn đầu tư xây dựng 7 nhà lưới bán kiên cố trị giá hơn 300 triệu đồng và 1 nhà lưới cố định được đầu tư hơn 80 triệu đồng, mỗi nhà lưới có diện tích 500 m2. Qua đánh giá bước đầu của cán bộ kỹ thuật Trung tâm, trồng rau trong nhà lưới ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước, sản phẩm RAT góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và cộng đồng.

Hiện toàn tỉnh có trên 5.000 ha đất trồng rau, cùng với việc ứng dụng thành công mô hình trồng RAT trong nhà lưới theo hướng VietGap, hy vọng trong thời gian tới sẽ tạo được bước đột phá mới trong việc đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giúp nghề trồng rau ở tỉnh ta ngày càng phát triển một cách bền vững, thu nhập của người trồng rau sẽ được nâng cao.