Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ hợp tác xã

(NTO) Với nền kinh tế thị trường để chèo lái “con thuyền” hợp tác xã (HTX) đi đến đích, người đứng đầu đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên trên thực tế, trình độ của đội ngũ cán bộ HTX hiện nay ở tỉnh ta còn thấp, cần phải được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Kết quả đánh giá, phân loại hiệu quả sản xuất, kinh doanh năm 2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở 22 HTXNN, thì có 8 HTX khá, 6 HTX trung bình, 7 HTX yếu; còn 22 HTXNN chưa phân loại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các HTX hoạt động cầm chừng như thiếu vốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, nhưng nguyên nhân chính là do trình độ chuyên môn, quản lý của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế, thiếu linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh.

Điều này thể hiện rõ ở chỗ: Trong số 378 cán bộ HTXNN hiện nay chỉ có 8 người có trình độ đại học, 15 người trung cấp, số còn lại “tay ngang”. Đó là chưa kể rất nhiều cán bộ HTX tuổi đã cao, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ông Trần Hải, Chủ nhiệm HTX DV-NN Nhị Hà 1, xã Nhị Hà (Thuận Nam) cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, để tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả chỉ có kinh nghiệm không chưa đủ, mà người cán bộ quản lý phải có trình độ chuyên môn mới xây dựng được các phương án hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Từ khó khăn đó, để nâng cao nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ HTX chỉ còn cách là chọn những người có tâm huyết, được xã viên tín nhiệm bầu vào Ban quản trị, sau đó tiếp tục cử đi đào tạo. Thực tế hằng năm, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Liên minh HTX được cấp một nguồn kinh phí đáng kể (bình quân mỗi năm trên dưới 300 triệu đồng) để đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, từ năm 2007 đến nay hàng trăm lượt cán bộ quản lý HTX được gửi đi đào tạo tại Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II (TP.Hồ Chí Minh). Ngoài ra, Chi cục Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đối tượng là chủ nhiệm, kế toán trưởng các HTX.

Nhờ đó, trình độ chuyên môn của cán bộ ở một số HTX được nâng lên đáng kể, đủ khả năng tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đơn cử như HTX DV-NN Hữu Đức (Phước Hữu, Ninh Phước) đủ năng lực nhận xây dựng các công trình ở địa phương, như: kiên cố hóa kênh mương cấp 3, trạm bơm, đường giao thông nông thôn… góp phần tạo thêm việc làm cho xã viên, tăng thu cho HTX. Nhiều cán bộ HTX đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám “đứng mũi chịu sào”, năng động đổi mới phương thức hoạt động kinh doanh, linh hoạt trong sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường. Cụ thể như HTX DV-NN Vụ Bổn, xã Phước Ninh (Thuận Nam) đã liên minh sản xuất giống lúa Nhahoseed đạt hiệu quả cao. Kết quả từ liên minh hợp tác sản xuất đã hình thành nên vùng nguyên liệu lúa giống chất lượng cao, bình quân sản xuất 1 ha lúa giống xã viên thu lãi gần 11 triệu đồng, cao hơn nhiều so với sản xuất lúa thương phẩm. Hay như Ban Quản trị HTX DV-NN Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước) đã có “tầm nhìn xa” chủ động liên kết với Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố để sản xuất lúa. Nhờ các công ty cung cấp phân bón, giống, bao tiêu sản phẩm nên HTX đã thực hiện thành công mô hình “1 phải, 5 giảm” trên quy mô lớn. Ông Nguyễn Thành Anh, Chủ nhiệm HTX DV-NN Trường Thọ, thừa nhận: Nếu không được tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý thì Ban Quản trị HTX không dám mở rộng kinh doanh, sản xuất.

Đồng chí Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: “Tỉnh đã có chủ trương ưu tiên cho các HTX có đủ điều kiện được tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, kể cả quản lý hạ tầng nông thôn, cụm công nghiệp, làng nghề... Vấn đề còn lại trong thời gian tới là cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ HTX. Chi cục Phát triển nông thôn sẽ thường xuyên mở lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho tất cả các chủ nhiệm, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát ở các HTX trong tỉnh.