Tổng kết dự án bảo tồn và phát triển bền vững nghề thuốc Nam truyền thống của đồng bào Chăm

(NTO) Ngày 26-7, Hội Đông y tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trình diễn bảo tồn và phát triển bền vững nghề thuốc Nam truyền thống của đồng bào Chăm” nhằm phục vụ công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn dược liệu thuốc Nam và xây dựng làng nghề thuốc truyền thống của đồng bào Chăm trong tỉnh.


 
Hội nghị tổng kết Dự án "Xây dựng mô hình trình diễn
bảo tồn và phát triển bền vững nghề thuốc Nam truyền thống của đồng bào Chăm".

Tại hội nghị, lãnh đạo Hội Đông y tỉnh đã báo cáo kết quả qua 3 năm triển khai thí điểm mô hình trên địa bàn xã Xuân Hải (Ninh Hải). Dự án đã tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thuốc và phương pháp thu hái, bảo quản, chế biến dược liệu cho 597 lượt cán bộ Đông y cấp xã, thôn và người hành nghề thuốc Nam trong vùng dự án. Các chuyên gia đã điều tra, khảo sát 34 loài cây thuốc đưa vào bảo tồn theo hộ gia đình và 36 loài cây thuốc đưa vào vườn tập trung. Cung cấp 15.000 hom, bầu cây giống và hướng dẫn cán bộ Đông y kỹ thuật nhân, giâm hom, xử lý hạt giống và ươm hạt. Hỗ trợ giống, kỹ thuật cho 30 hộ tham gia dự án thí điểm, góp phần tăng chất lượng cây thuốc và giá trị kinh tế cho vườn thuốc Nam của gia đình.

Phát huy kết quả đạt được của dự án, Hội Đông y tỉnh mong muốn mô hình bảo tồn và phát triển nghề thuốc Nam được nhân rộng trên địa bàn tỉnh; cần xây dựng nhãn hiệu tập thể thuốc Nam của người Chăm để nghề thuốc trong vùng đồng bào Chăm được phát triển bền vững; đồng thời mở ra hướng gắn kết du lịch văn hóa các làng nghề truyền thống bao gồm nghề gốm, dệt thổ cẩm và nghề thuốc.