Ninh Sơn: Vào mùa thu hoạch nguyên liệu, có “ngọt” vụ?

(NTO) Cứ như thường lệ, vào những tháng cuối năm thì vùng nguyên liệu cây mía và khoai mì Ninh Sơn lại trở nên sôi động khi bước vào thu hoạch. Mùa thu hoạch năm nay, với những diễn biến phức tạp của thời tiết, cùng với giá cả thị trường luôn biến động, vật tư nông nghiệp tăng cao, nhiều người đặt câu hỏi liệu nông dân có được “ngọt” vụ?

Khởi động vụ thu hoạch từ trung tuần tháng 10, giá cây mì đã được thu mua ở mức từ 1.750- 1.800 đồng/kg (lượng tinh bột đạt), đây là tín hiệu vui với nông dân. Bởi giá thu mua này bằng với thời điểm đầu vụ năm trước, nhưng cao hơn từ 300 – 400 đồng/kg so với các niên vụ trước đó. Qua gần 1 tháng thu hoạch, nhiều vùng mì trên địa bàn huyện Ninh Sơn được đánh giá là cho sản lượng và chất lượng cao, đến thời điểm hiện tại giá mì đang tiếp tục dao động ở mức 2.000 đồng/kg nếu mì đạt chữ bột tốt. Nếu đến kết thúc vụ, giá mì ổn định như hiện nay thì người trồng mì sẽ “trúng lớn”. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nông dân, chưa thể nói trước điều gì, bởi đã từng có rất nhiều niên vụ khi khởi đầu giá cao nhưng khi vào vụ thu hoạch rộ nông dân bị ép giá. Một phần sức thu mua nhà máy hạn chế trong khi diện tích trên toàn huyện lại khá lớn, điều này buộc nông dân phải chọn thương lái để tiêu thụ và tình trạng bị ép giá không phải là chuyện lạ.

 
Nông dân thôn Thạch Hà (xã Quảng Sơn) bước vào vụ thu hoạch mía.

Trong khi cây mì đang mang những tín hiệu vui cho nông dân, thì cây mía lại là nỗi lo khi ngày 11-11 vừa qua, Công ty CP Mía đường Phan Rang đã chính thức phát lệnh thu mua với mức giá 850.000 đồng/tấn (mía đạt 10 chữ đường). Mức giá này thấp hơn 50.000 đồng/ tấn so với niên vụ trước. Tại xã Quảng Sơn, địa phương được xem là “thủ phủ” nguyên liệu mía của cả tỉnh, nhiều nông dân cho rằng, tuy chưa vào vụ chính nhưng với mức giá như thế nhiều khả năng người trồng sẽ “huề vốn” trong vụ đầu tư năm nay, thậm chí sẽ thua lỗ tiền công nếu chữ đường không đạt. Theo ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, ở các niên vụ trước, mức giá thấp nhất cũng 900.000đồng/tấn, với mức giá thu mua năm nay rõ ràng người trồng mía hoàn toàn không thể an tâm. Năm nay diện tích mía toàn xã có trên 1.900ha, trong đó giống mía mới K88-92, K95-84… cho sản lượng cao trong 3 năm qua tiếp tục được người dân đầu tư, hiện diện tích này đã lên tới 1.100ha.

Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Hữu Thạnh, Phó Giám đốc Công ty CP Mía đường Phan Rang cho biết, trước khi vào vụ thu hoạch, công ty đã chủ động đầu tư trên 250 triệu đồng, sửa chữa một số tuyến đường giao thông nội đồng, bờ tràn trên địa bàn huyện để thuận lợi hơn trong việc thu mua cho bà con. Theo kế hoạch, năm nay công ty ký hợp đồng thu mua trên toàn huyện Ninh Sơn với tổng diện tích hơn 2.425 ha, sản lượng trên 131.000tấn. Hiện nay công suất ép của nhà máy là 1.400tấn/ngày, khi vào vụ thu hoạch rộ sẽ tăng từ 1.500-1.600 tấn/ngày, giảm áp lực cho nông dân. “Ngoài ra, do thời tiết những ngày trước khi vào vụ có mưa lớn gây ngã đổ một số diện tích của bà con, chúng tôi cũng đã có thông báo hỗ trợ thêm 30.000 đồng/tấn mía tiền “tăng bo” cho những hộ bước vào thu hoạch đầu, kể từ ngày phát lệnh đến ngày 30-11. Đồng thời để mía đạt chữ đường và sản lượng, chúng tôi cũng đã khuyến khích bà con nên chặt mía sát gốc và từ mắt mặt trăng trở xuống, nếu nhân công chặt tốt sẽ có thêm tiền hỗ trợ” - ông Thạnh cho biết thêm.

Theo thống kế của Phòng NN&PTNT huyện Ninh Sơn, niên vụ năm nay tổng diện tích cây mía và cây khoai mì toàn huyện trồng khoảng gần 5.100 ha. Trong đó diện tích cây mì 2.479 ha; cây mía vào khoảng 2.600 ha. So với năm trước, diện tích 2 loại cây này hầu như không giảm. Được biết, để chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới đạt hiệu quả, từ đầu năm huyện Ninh Sơn đã chỉ đạo các địa phương có diện tích mía, mì lớn cần có kế hoạch định hướng giúp bà con xuống vụ đúng thời điểm, phân định đúng những vùng chủ động nước, vùng không chủ động nước để tăng diện tích cây trồng hợp lý; vừa qua huyện cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng sửa chữa các công trình giao thông cơ bản phục vụ cho các vùng nguyên liệu như: sửa chữa bờ tràn Sông Dầu do sạt lở, nâng cấp sửa chữa Quốc lộ 27 đi kênh chính Tây...

Mùa thu hoạch mới đã bắt đầu. Đã có những dấu hiệu tích cực với người trồng mì, xen kẽ nỗi lo từ giá cả của cây mía. Niên vụ năm nào cũng như thế, đã có những định hướng, những hỗ trợ nhất định cùng với nhiều nguyên nhân như: diễn biến thất thường của thời tiết; giá cả thu mua không cố định, giá cả vật tư nông nghiệp ngày càng tăng, diện tích cây trồng mở rộng khiến các nhà máy quá tải không thu mua kịp… liệu niên vụ năm nay nông dân Ninh Sơn có được một mùa “ngọt”?